Mỹ góp 300 triệu USD cho “Sáng kiến 3 biển” của châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Gần đây, 12 quốc gia nằm giữa Biển Baltic, Adriatic và Biển Đen muốn cùng phát triển cơ sở hạ tầng của mình. Do đó, Mỹ đã ngỏ ý muốn hỗ trợ, nhằm mục đích ngăn chặn Trung Quốc thâm nhập sâu hơn vào châu Âu.
Hội nghị Thượng đỉnh “Sáng kiến 3 biển” diễn ra hôm 19-10 theo hình thức trực tuyến vì đại dịch Covid-19

Hội nghị Thượng đỉnh “Sáng kiến 3 biển” diễn ra hôm 19-10 theo hình thức trực tuyến vì đại dịch Covid-19

Năm 2015, Ba Lan và Croatia đã khởi xướng “Sáng kiến 3 biển”, còn được gọi là Sáng kiến Baltic, Adriatic, Biển Đen (BABS). Đây là một diễn đàn đầy tham vọng của 12 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu dọc theo trục bắc-nam từ Biển Baltic đến Biển Adriatic và Biển Đen ở Trung và Đông Âu, bao gồm Bulgaria, Estonia, Croatia, Latvia, Lithuania, Áo, Ba Lan, Romania, Slovakia, Slovenia, Cộng hòa Czech và Hungary.

Mục đích của sáng kiến là thúc đẩy đối thoại và phát triển cơ sở hạ tầng tương đối yếu của khu vực. Sáng kiến này có rất nhiều tiềm năng, khi các quốc gia thành viên chiếm 28% lãnh thổ và 22% dân số của EU, nhưng chỉ đóng góp 10% GDP của khối. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhóm có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất ở EU, đạt mức 3,5% so với mức trung bình của khối là 2,1%.

Nhưng đến nay, tiến độ của sáng kiến chậm chạp, chủ yếu là thiếu vốn do các quốc gia thành viên chậm nộp tiền vào quỹ do một ngân hàng Ba Lan và Romania thành lập. Vào tháng 2-2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cam kết tài trợ 1 tỷ USD cho quỹ. Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 diễn ra theo hình thức trực tuyến do Estonia chủ trì hôm 19-10, Mỹ cam kết tài trợ 300 triệu USD và sẽ đóng góp tới 30% quỹ chung nếu quỹ còn tiếp tục phát triển.

Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski gần đây đã tuyên bố rằng, đây sẽ là một “hội nghị thượng đỉnh bất thường”. Ông dự đoán: “Sau nhiều năm là một dự án chính trị áp đảo, sáng kiến này giờ đây sẽ trở thành một dự án kinh tế”. Ông nói rằng Ba Lan sẽ đặc biệt ủng hộ việc xây dựng các đường ống dẫn khí đốt giữa Bắc và Nam châu Âu, điều này sẽ giúp nước này bớt phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga. Ngoài ra, số hóa rất quan trọng để khu vực này có thể trở thành “trung tâm của các công nghệ mới nhất”.

Mỹ cũng muốn sử dụng dịp này để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc đối với công nghệ điện thoại di động bằng kế hoạch “An ninh mạng 5G sạch”. Đây là một trong những lý do mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến châu Âu vào tháng 8. Trong chuyến thăm tới Slovenia vào đầu tháng 10, ông Pompeo cũng đạt được một tuyên bố chung về việc cấm tập đoàn công nghệ khổng lồ Trung Quốc Huawei kinh doanh tại EU một cách hiệu quả.

Trong khi hầu hết các quốc gia Tây Âu vẫn đang cân nhắc về việc có cấp cho Huawei quyền tiếp cận thị trường của họ hay không thì nhiều quốc gia Trung và Đông Âu đang lên kế hoạch tách mình khỏi Trung Quốc. Estonia, quốc gia được mệnh danh một xã hội kỹ thuật số, cũng đã tham gia chương trình an ninh mạng sạch của Mỹ vào tháng trước.

Đầu tháng 10-2020, Ủy ban Chính sách Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua “Sáng kiến 3 biển”. Ông Kamil Zajaczkowski, Giám đốc Trung tâm châu Âu tại Đại học Warsaw, Ba Lan nhân định: Mỹ đang sử dụng “Sáng kiến 3 biển” để theo đuổi lợi ích kinh tế của riêng mình trong khu vực. “Các dự án kinh tế chung vẫn là cơ hội duy nhất để hợp tác thực sự - đồng thời là “công cụ hấp dẫn” để Mỹ tạo ảnh hưởng ở châu Âu”, ông Kamil Zajaczkowski nói.