Mỹ điều chỉnh hàng loạt lực lượng và vũ khí để ứng phó với Trung Quốc trên Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong động thái nhằm đối phó với mối nguy từ Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ đang xem xét khả năng điều động hệ thống pháo binh phản lực cơ động cao (HIMARS) đến vùng biển này.

Sắm mới nhiều đơn hàng vũ khí

Báo Asia Times mới đây đưa tin, thủy quân lục chiến Mỹ đang sắp “chốt” nhiều đơn hàng vũ khí mà mục tiêu được cho là có thể bao gồm việc đối phó với chiến lược phong tỏa - chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc ở Biển Đông. Số vũ khí sắp “chốt đơn” bao gồm HIMARS, tên lửa hành trình Tomahawk và một số khí tài khác.

Động thái này của Mỹ được đánh giá là nhằm đáp lại thách thức khi Bắc Kinh triển khai lực lượng hùng hậu bao gồm hải quân, hải cảnh, dân quân biển… phối hợp hoạt động để đạt được tham vọng kiểm soát Biển Đông. Hoạt động của Trung Quốc được triển khai trên nhiều hướng. Trước hết, Trung Quốc liên tục quân sự hóa các thực thể mà nước này chiếm đóng và tôn tạo trái phép ở Biển Đông. Tiếp đó, Trung Quốc không ngừng tăng cường lực lượng tàu sân bay, tàu đổ bộ tấn công, chiến hạm cỡ lớn, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo... Cuối cùng là đẩy mạnh các hoạt động tập trận để tăng cường khả năng tác chiến, đổ bộ và tấn công.

Tàu Tuần duyên Mỹ chạm mặt tàu Hải cảnh Trung Quốc trên Biển Hoa Đông

Tàu Tuần duyên Mỹ chạm mặt tàu Hải cảnh Trung Quốc trên Biển Hoa Đông

Với khả năng vượt trội, hệ thống HIMARS có thể ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng từ Trung Quốc. HIMARS hay M142 HIMARS là hệ thống pháo phản lực di động cao và có thể bắn được nhiều loại tên lửa với tầm bắn đến 500km. Hệ thống phóng của HIMARS có thể phóng được nhiều loại pháo phản lực, tên lửa dẫn đường và không dẫn đường, thậm chí là tên lửa phòng không. Toàn bộ hệ thống HIMARS gồm hệ thống phóng và xe tải có thể được chuyên chở bằng máy bay vận tải C-130 Hercules.

Không chỉ triển khai tác chiến trên đất liền, vào năm 2017, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ trên tàu vận tải đổ bộ tấn công USS Anchorage đã phóng thử thành công HIMARS với mục tiêu giả định là hệ thống phòng không của đối thủ đang đóng trên đảo cách đó 70 km.

Theo quảng bá của nhà sản xuất HIMARS là hãng Lockheed Martin, hệ thống pháo phản lực này có khả năng “bắn và rút”, tức là có tính di động cao. Hệ thống HIMARS có thể nạp lại đạn dược trong chỉ vài phút. Các tên lửa và ống phóng được thiết kế dạng module tháo rời với dàn phóng. Vì thế, sẽ không phải nạp lại từng tên lửa, rocket như các hệ thống pháo phản lực phóng loạt khác. Cơ chế nạp lại đạn cũng như việc dàn phóng được lắp trên xe tải bánh lốp mang lại cho HIMARS sự linh hoạt cao, cả về tốc độ di chuyển, tầm hoạt động, đến khả năng tái trang bị, triển khai, bắn và tháo chạy.

Một ưu điểm khác của HIMARS là khả năng điều động linh hoạt khi khẩu đội phóng có thể được vận chuyển với máy bay vận tải C-130 để triển khai nhanh chóng đến nhiều khu vực. Theo trang Navalnews, thủy quân lục chiến Mỹ đang hướng đến phát triển HIMARS như vũ khí then chốt để chống tiếp cận, tiêu diệt tàu chiến từ xa. Qua đó, HIMARS có thể được sử dụng như loại vũ khí chống đổ bộ lên đảo hoặc tấn công tiền đồn đối phương, vốn là những nhiệm vụ tác chiến quan trọng để ứng phó nguy cơ tấn công của Trung Quốc ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan…

Kế hoạch tích hợp 3 lực lượng hoạt động trên biển

Ngoài khả năng điều động hệ thống pháo binh phản lực cơ động cao (HIMARS) đến Biển Đông, để đối phó với Trung Quốc, Mỹ còn lên kế hoạch tích hợp 3 lực lượng hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên trở thành lực lượng quân sự chung trên biển.

Theo quan điểm của Mỹ, Trung Quốc đang tìm cách làm xói mòn sự quản trị hàng hải thế giới, từ chối tiếp cận các trung tâm hậu cần truyền thống, cản trở tự do trên biển, kiểm soát việc sử dụng các vị trí trọng yếu, ngăn cản sự can thiệp của Mỹ vào các tranh chấp khu vực và thay thế vị trí của Mỹ với vai trò như một đối tác được các quốc gia khác yêu thích hơn trên thế giới.

Đặc biệt, Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động trong cái gọi là chiến thuật “vùng xám”, tức đẩy mạnh hành động gây căng thẳng nhưng dưới mức chiến tranh. Theo chiến thuật này, các đội tàu hải cảnh và dân quân biển tăng cường hành động hung hăng để xua đuổi ngư dân của các nước láng giềng khỏi ngư trường truyền thống và gây cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của các nước ở Biển Đông. Đầu năm ngoái, Đô đốc Karl Schultz, Tư lệnh tuần duyên Mỹ, cảnh báo: “Hải cảnh Trung Quốc không chỉ tiến hành tuần tra ven biển thông thường. Lực lượng này còn sở hữu các tàu vũ trang lớn hơn cả tàu tuần dương và mở rộng hoạt động ở chuỗi đảo thứ nhất. Đó là một phần trong chiến lược vươn vòi của chính quyền Trung Quốc”.

Chính vì thế, Mỹ đặt ra mục tiêu quân đội Mỹ phải thay đổi phù hợp, bao gồm việc tích hợp 3 lực lượng hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để ứng phó các thách thức mới. Theo tính toán của Mỹ, lực lượng tuần duyên phù hợp giải quyết thách thức về môi trường và thực thi pháp luật trong lĩnh vực hàng hải như ngăn cản hành vi bắt nạt ngư dân, phá hoại môi trường, buôn lậu… Những hành vi này không phải gây chiến, nhưng ẩn chứa rủi ro phá hoại, thậm chí dẫn đến xung đột. Trong vai trò của mình, lực lượng tuần duyên có thể ngăn cản hiệu quả để phòng ngừa xung đột xung quanh các hành vi trên.

Trong khi đó, thủy quân lục chiến có thể phối hợp các lực lượng phòng thủ trên bờ, hợp tác với các đồng minh để tiến hành đổ bộ, đáp ứng cả yêu cầu sơ tán cứu hộ khi cần thiết. Còn hải quân thì cung cấp hỗ trợ toàn diện trên biển và cả trên không. Vì thế, khi tích hợp cả 3 lực lượng thì hải quân Mỹ có thể tổ chức hoạt động toàn diện ở các vùng biển, đối phó các thách thức.

Thêm vào đó, Mỹ còn tăng cường lực lượng tuần duyên đến Biển Đông nhằm làm đối trọng với lực lượng hải cảnh của Trung Quốc. Lâu nay, Bắc Kinh thường xuyên sử dụng tàu vũ trang của lực lượng hải cảnh để đe dọa các nước khác trong khu vực, nhưng núp bóng dưới hình thức là tàu chấp pháp. Đầu năm ngoái, Trung Quốc còn thông qua luật hải cảnh mới cho phép lực lượng hải cảnh được quyền tấn công nhằm vào các tàu nước ngoài hoạt động ở vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Chính vì thế, việc triển khai lực lượng tuần duyên đến Biển Đông có thể xem là cách đáp trả của Mỹ đối với Trung Quốc tại vùng biển này, bởi về lý thuyết thì thì lực lượng tuần duyên của Mỹ và lực lượng hải cảnh của Trung Quốc có chức năng khá tương đồng.