Mỹ - Cuba “tan băng”?

(ANTĐ) - “Đã đến lúc thúc đẩy đối thoại với Cuba”, là thông điệp được Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Barbara Lee đưa ra sau khi dẫn đầu đoàn nghị sĩ Mỹ thăm Cuba cho thấy đã có dấu hiệu “tan băng” trong quan hệ giữa hai quốc gia.

Mỹ - Cuba “tan băng”?

(ANTĐ) - “Đã đến lúc thúc đẩy đối thoại với Cuba”, là thông điệp được Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Barbara Lee đưa ra sau khi dẫn đầu đoàn nghị sĩ Mỹ thăm Cuba cho thấy đã có dấu hiệu “tan băng” trong quan hệ giữa hai quốc gia.

Chủ tịch Cuba Raul Castro tiếp đoàn nghị sĩ Mỹ do bà Barbara Lee dẫn đầu
Chủ tịch Cuba Raul Castro tiếp đoàn nghị sĩ Mỹ do bà Barbara Lee dẫn đầu

Không phải ngẫu nhiên mà tuyên bố ngày 8-4 của nữ Hạ nghị sĩ Lee lại được xem là tín hiệu quan trọng cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Cuba. Cho tới chuyến thăm của phái đoàn nghị sĩ Mỹ, quan hệ giữa hai nước vẫn bị bao phủ bởi tấm màn sắt dày đặc của lệnh cấm vận chống Cuba gần nửa thế kỷ qua của Washington.

Có thể nói lệnh cấm vận chống Cuba là lệnh cấm vận hà khắc nhất trong số khoảng 20 lệnh cấm vận áp đặt với các quốc gia khác của Mỹ. Lệnh cấm vận này đã bế quan tỏa cảng gần như mọi hoạt động kinh tế, thương mại, du lịch... giữa Mỹ và Cuba.

Chính vì thế mà lệnh cấm vận áp đặt từ năm 1962 tới nay của chính quyền Mỹ đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề cho Cuba. Theo thống kê, cuộc bao vây cấm vận của Mỹ đã gây thiệt hại về kinh tế gần 100 tỷ USD cho Cuba.

Chẳng những thế, lệnh cấm vận chống Cuba còn bị chính quyền Tổng thống George W. Bush siết chặt thêm vào năm 2004. Theo đó, chỉ cho phép kiều dân Cuba sống ở Mỹ 3 năm mới được về thăm nơi chôn nhau cắt rốn một lần và mỗi ngày chỉ được sử dụng không quá 50 USD.

Lệnh cấm vận hà khắc, phi lý và vô nhân đạo chống Cuba của Mỹ đã bị phản đối và lên án trên khắp thế giới. Từ năm 1992 tới nay, Đại hội đồng LHQ năm nào cũng ra nghị quyết đòi Mỹ bãi bỏ ngay lệnh cấm vận chống Cuba với số phiều năm sau luôn cao hơn năm trước.

áp lực quốc tế và quan trọng nhất là tính chất phi lý, vô nhân đạo của lệnh cấm vận Cuba đã tác động tới quan điểm của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Ngay từ khi vận động tranh cử Tổng thống, ông Obama đã cam kết ủng hộ việc nới lỏng lệnh cấm vận chống Cuba và cải thiện quan hệ giữa Mỹ với Cuba.

Chưa đầy 2 tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Obama đã đi bước đầu tiên thực hiện cam kết của mình bằng cách nới lỏng sự đi lại của kiều dân Cuba cũng như chuyển tiền về cho thân nhân. Với sự nới lỏng này, kiều dân Cuba có thể về thăm quê hương mỗi năm một lần và được sử dụng 179 USD mỗi ngày.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Cuba bị phong tỏa gần nửa thế kỷ bởi lệnh cấm vận hà khắc thì sự nới lỏng trên đây hay tuyên bố của nữ Hạ nghị sĩ Lee đều là những tín hiệu tích cực, mở ra hy vọng cải thiện mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Tiến tới bãi bỏ lệnh cấm vận cũng như bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba cần những đột phá mạnh bạo hơn. Dư luận đang trông đợi Tổng thống Obama hành động theo xu thế tích cực đó tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ trung tuần tháng 4 này tại Trinidad và Tobago.

Hoàng Hà