Mỹ có những lợi ích trong sự ổn định ở Biển Đông

ANTĐ - Mỹ và Trung Quốc vừa nổ ra một cuộc khẩu chiến căng thẳng về vấn đề Biển Đông mà nguyên nhân xuất phát từ quyết định phi lý và vô căn cứ của Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” vốn bị các quốc gia trong khu vực kịch liệt phản đối.

Mức độ căng thẳng trong cuộc khẩu chiến giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương thể hiện qua việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 4-8 đã triệu hồi khẩn cấp Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc Robert Wang đến để “giao thiệp nghiêm khắc” về tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ xung quanh vấn đề Biển Đông. Giao thiệp là một thuật ngữ ngoại giao để biểu thị sự phản đối.

Tại cuộc gọi là “giao thiệp”, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Côn Sinh đã dùng những lời lẽ gay gắt để phản đối tuyên bố ngày 3-8 của Bộ Ngoại giao Mỹ xung quanh vấn đề Biển Đông.  Phía Trung Quốc nhấn mạnh tới điều mà họ nói là “sự bất bình cao độ” và đòi Mỹ phải “cải chính ngay việc làm sai lầm”, đồng thời  “lập tức báo cáo tình hình giao thiệp của phía Trung Quốc lên cấp cao nhất”. 

Phản ứng được cho là khá mạnh của Trung Quốc chỉ một ngày sau khi quyền Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bày tỏ sự lo ngại về việc Trung Quốc thành lập bộ máy chính quyền và triển khai quân đồn trú thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm của Việt Nam. Cùng với việc bày tỏ sự lo ngại gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, tuyên bố của quyền Phát ngôn viên Bộ giao giao Mỹ khẳng định nước này “sẽ theo dõi sát sao mọi diễn biến ở đây”.

Tuyên bố trên có đoạn nhấn mạnh: “Việc Trung Quốc nâng cấp bộ máy quản lý và lập đơn vị quân đội đồn trú tại Tam Sa là những hành động đối nghịch với những nỗ lực ngoại giao chung của các nước nhằm giải quyết những bất đồng và càng làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực”. Khẳng định lập trường trung lập trong các cuộc tranh chấp trên Biển Đông, tuyên bố của quyền Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell kêu gọi “tất cả các bên cần có những bước đi nhằm giảm căng thẳng”.

Tuyên bố ngày 3-8 được xem là phản ứng chính thức đầu tiên về quyết định làm tình hình Biển Đông thêm căng thẳng và phức tạp như thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng như tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Cả Việt Nam và Philippines cùng kịch liệt phản đối những quyết định và hành động phi lý, vô căn cứ của Trung Quốc.

Khẳng định là một quốc gia Thái Bình Dương cũng như   “có những lợi ích trong sự ổn định và tự do hàng hải trên Biển Đông”, Mỹ đã tỏ ra rất quan ngại những quyết định và hành động được cho là leo thang căng thẳng, trái với các thỏa thuận đạt được giữa các bên liên quan và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

Trước tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, Thượng viện nước này ngày 2-8 cũng thông qua Nghị quyết kêu gọi ASEAN và Trung Quốc “cùng nhau tự kiềm chế”, đồng thời xử lý các bất đồng theo những cách thức mang tính xây dựng. Nghị quyết khẳng định ủng hộ vai trò của ASEAN về vấn đề Biển Đông và hối thúc các bên hữu quan sớm thông qua một bộ quy tắc mang tính ràng buộc pháp lý nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải tại vùng biển quan trọng này.