Mỹ chống lại tuyên truyền và thông tin sai lệch từ nước ngoài

ANTD.VN - Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố một chiến dịch mới nhằm chống lại tuyên truyền và thông tin sai lệch từ nước ngoài có thể ảnh hưởng đến lợi ích và an ninh quốc gia Mỹ. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) và Ngoại trưởng Rex Tillerson trong cuộc họp báo công bố thỏa thuận hợp tác kiểm soát thông tin sai lệch từ nước ngoài

Đây là một phần của chương trình hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ. Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay hai bộ này đã ký kết một thỏa thuận, theo đó, trong năm tài khóa 2018, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ chuyển 40 triệu USD cho Trung tâm Hợp tác Toàn cầu (GEC) của Chính phủ Mỹ nhằm tài trợ cho các sáng kiến chống lại việc tuyên truyền và thông tin xuyên tạc từ nước ngoài. 

Theo Thứ trưởng phụ trách các vấn đề công Bộ Ngoại giao Mỹ Steve Goldstein, để thực hiện những kế hoạch này, Bộ Ngoại giao Mỹ sẵn sàng hợp tác với công ty tư nhân nước ngoài và các tổ chức phi Chính phủ. Ông Goldstein khẳng định “đây sẽ là một chiến dịch lớn với nhiều biện pháp mới, sáng tạo nhằm chống lại việc xuyên tạc và bóp méo thông tin ở nhiều quốc gia. Đây không chỉ là một cách thức phòng thủ mà chúng ta cũng cần phải tấn công” nhằm trấn áp các đối tượng khởi tạo và cung cấp thông tin sai lệch.

Dưới sức ép từ Quốc hội, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thiết lập một Quỹ Truy cập thông tin để hỗ trợ các đối tác Nhà nước và tư nhân trong khâu giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời việc truyền bá thông tin sai lệch từ nước ngoài với mục đích phá hoại lợi ích quốc gia của Mỹ. Trung tâm cũng sẽ phát triển chiến lược để đối phó với những chiến dịch như vậy. 

Với quỹ trên, các tổ chức xã hội dân sự, các nhà cung cấp nội dung truyền thông, các tổ chức phi Chính phủ, các trung tâm nghiên cứu và phát triển được tài trợ bởi liên bang, các công ty tư nhân và các cơ sở giáo dục sẽ có đủ điều kiện để giành các khoản tài trợ từ GEC khi thực hiện các sáng kiến quan trọng trong lĩnh vực này.

Động thái của liên bộ trên diễn ra sau khi báo cáo điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), cáo buộc Nga sử dụng các cuộc tấn công không gian mạng và thông tin sai lệch để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016, khiến ứng viên Hillary Clinton mất uy tín và giúp ông Donald Trump đắc cử. Có nhiều mối quan ngại ở Washington rằng Nga sẽ lặp lại “cuộc chiến tranh thông tin” đối với các cuộc bầu cử trong tương lai.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump và các quan chức Nhà Trắng luôn lên tiếng bác bỏ những cáo buộc của FBI, đồng thời chỉ trích các nghị sĩ Dân chủ đã thiết lập một “hồ sơ giả mạo”, được tiết lộ từ thông tin của một cựu nhân viên tình báo Anh về mối quan hệ giữa Tổng thống Trump, các cộng sự của ông với Nga. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ phải đấu tranh ngay trong nội bộ nước này về các luồng thông tin đa chiều, khó kiểm soát trong bối cảnh tồn tại những bất đồng dai dẳng giữa hai đảng chính trị lớn.

Không chỉ đấu tranh với các thông tin sai lệch, việc ngăn chặn các thông tin mật bị rò rỉ cũng là mục tiêu mà chính quyền Washington nhắm tới. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions từng lên án con số đáng báo động của những vụ rò rỉ thông tin mật, bắt nguồn trong nội bộ chính quyền Tổng thống Donald Trump, đồng thời cam kết trấn áp những người tiết lộ thông tin an ninh quốc gia tuyệt mật hoặc nhạy cảm.

Theo ông Sessions, đã có nhiều đối tượng bị buộc tội “tiết lộ thông tin mật hoặc che giấu các cuộc tiếp xúc với quan chức tình báo nước ngoài một cách bất hợp pháp”. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cho biết thêm, số vụ điều tra rò rỉ thông tin trong năm nay đã tăng gấp ba lần so với thời điểm trước khi ông Trump nhậm chức Tổng thống.

Nếu những thiếu sót trong khâu quản lí thông tin tình báo an ninh quốc phòng của chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục tái diễn, những rủi ro có thể xảy ra đối với an ninh quốc gia của Mỹ và các đồng minh trong tương lai. Mặt khác, những người nước ngoài tham gia chiến dịch minh bạch hóa thông tin cho các cơ quan chính quyền Mỹ có quyền được biết thông tin của họ được bảo mật như thế nào trong bối cảnh Washington thường nhận và sử dụng thông tin mà không cần biết đến tính bảo mật hay cơ sở xác minh.