“Muối mắm, dầu ăn không còn rẻ nữa”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Dù giá trị của các mặt hàng tiêu dùng như muối bột canh, dầu ăn không quá cao nhưng đây lại là mặt hàng các gia đình phải dùng mỗi ngày nên giá tăng khiến các bà nội trợ lo lắng.
Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã "âm thầm" tăng giá

Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã "âm thầm" tăng giá

Dầu ăn, bột canh tăng giá mạnh

Khoảng 3 tháng trước, giá một chai dầu ăn Simply hay Neptune 1 lít dao động từ 44.000-46.000 đồng. Tuy nhiên, gần đây, nhiều người dùng không khỏi ngỡ ngàng vì cùng sản phẩm này mà giá đã tăng lên trông thấy.

Tại các siêu thị và cửa hàng tiện ích, dầu ăn Simply, Neptune được bán với giá từ 56.000-62.000 đồng/chai 1 lít, tùy loại. Với can 2 lít, người mua trước đây phải trả khoảng 88.000-90.000 đồng/can thì hiện nay, giá đã tăng tới trên 100.000 đồng/can 2 lít. Các loại dầu ăn khác cũng có biến động tăng giá.

Tương tự, với mặt hàng là bột canh, bột canh i-ốt, trước đây người tiêu dùng thường phải mua 2.500 đồng/gói thì nay, giá bán đã là 4.500-5.000 đồng/gói, tức là tăng gấp đôi. Giá bán các mặt hàng trên các sàn thương mại điện tử cũng ở mức tương đương.

Với mặt hàng sữa tươi, sữa chua, giá bán cũng không còn "dễ chịu". Mỗi hộp sữa tươi 180ml giá dao động từ 7.000-8.500 đồng/hộp, trong khi sữa chua là 5.500-6.500 đồng/hộp 50ml, khiến nhiều gia đình phải đắn đo trước khi mua.

Dù giá trị của các sản phẩm tiêu dùng này không cao và dù đã tăng thì đa số người tiêu dùng vẫn chi trả được, nhưng rõ ràng, biên độ tăng giá này không hề nhẹ, nhất là khi người dân phải dùng mặt hàng này hằng ngày.

Cửa hàng trưởng một cửa hàng tiện ích trong hệ thống bán lẻ lớn nhất nhì cả nước cho biết: “Nhà cung cấp báo giá tăng thì chúng tôi bán lẻ tăng theo. Nguyên nhân có thể do vận chuyển nguyên vật liệu khó khăn hơn, chi phí sản xuất, vận chuyển cao hơn”.

Tuy nhiên, người này cũng thừa nhận là các mặt hàng này tăng giá đáng kể và ít bị người mua “phàn nàn” vì giá trị không quá cao, lại là hàng thiết yếu không thể không mua.

Là người nội trợ rất quan tâm đến giá cả, chị Hoàng Thị Liên (Cầu Giấy- Hà Nội) cho biết: “Dù người mua vẫn trả được mức tăng thêm của sản phẩm nhưng nếu để ý giá các mặt hàng này đã tăng rất nhiều. Muối mắm, dầu ăn tăng giá, giá bán đã không còn rẻ nữa, người dân thì ngày càng phải thắt lưng buộc bụng”.

Không những vậy, người tiêu dùng cũng lo lắng khi các sản phẩm tiêu dùng như: hóa mỹ phẩm, giấy ăn, giấy vệ sinh, gia vị nêm thức ăn… đều đã đứng ở mức cao và thường tăng giá đồng loạt sau khi nhà sản xuất ra mắt thêm 1 sản phẩm mới. Đây đều là các mặt hàng nhà nhà đều phải dùng và không thể không mua.

Chợ Hà Nội chưa đông khách

Dù được mở cửa trở lại song người dân đến các chợ dân sinh vẫn thưa vắng hơn trước khi Hà Nội giãn cách xã hội trong đợt bùng phát dịch thứ tư này. Trong khi đó, siêu thị lại ghi nhận lượng khách đến đông đúc hơn.

Tại chợ Thành Công (Ba Đình), một chợ dân sinh lớn của Hà Nội, khách hàng mỗi buổi chợ sáng chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Một số lối ngõ nhỏ quanh chợ chuyên bán hàng hóa trước đây vẫn đặt rào chắn “vùng xanh”, chưa cho bán hàng. Người dân chỉ có thể vào chợ bằng cổng chính và phải quét QR code.

Chị Minh Thu (tập thể Thành Công) cho hay: “Người dân hiện vẫn còn e dè lây lan dịch bệnh do khu này dân cư đông nên đi chợ 1 lần dùng cho mấy ngày. Hơn nữa giờ đi chợ bị kiểm soát, quét mã, nhiều khi người dân cũng ngại đi nhiều lần”.

Theo tiểu thương tại đây, hàng hóa bán vẫn khá chậm, chưa được như lúc chưa thực hiện giãn cách.

Tương tự, tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), dù người đi chợ đã đông đúc hơn 10 ngày trước nhưng vẫn thưa thớt. Một phần vì các gian hàng không thiết yếu chưa mở cửa trở lại nên người bán, người mua đều giảm, phần khác vì khách đến chợ đều vội vã mua hàng rồi về để phòng tránh dịch bệnh.

Tại Hà Nội, sau hơn 1 tuần nới lỏng giãn cách, giá thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu vẫn ổn định. Thịt nạc thăn, nạc mông, ba chỉ 160.000 đồng/kg; sườn thăn 160.000-170.000 đồng/kg; thăn bò 280.000 đồng/kg; cá trắm chọn khúc 80.000 đồng/kg; cá chép to 70.000 đồng/kg; Cua đồng 150.000 đồng/kg; trứng gà 30.000 đồng/10 quả.

Rau xanh dồi dào về chủng loại, đặc biệt các loại rau vụ đông mới cho thu hoạch. Theo đó, cà chua 18.000 đồng/kg; khoai tây 16.000 đồng/kg; bí đỏ 18.000 đồng/kg; rau muống 8.000-10.000 đồng/mớ; cải bắp 18.000 đồng/kg; rau dền; mồng tơi 7.000 đồng/mớ.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, ngày 27-9, nhìn chung các quận/huyện của Hà Nội đã chủ động đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho các khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Nguồn cung hàng hóa tại các hệ thống phân phối (siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi…) dồi dào.

Tại các siêu thị, chuỗi các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, lượng khách đến mua sắm ổn định, nguồn hàng phong phú. Giá bán các mặt hàng tại siêu thị, chuỗi được niêm yết theo quy định, giá cả ổn định, không tăng so với bình thường.

Tại các chợ, lượng hàng hóa nông sản thực phẩm dồi dào đáp ứng nhu cầu của người dân. Lượng khách mua sắm tập trung chủ yếu vào sáng sớm. Người dân đến các chợ truyền thống để chọn mua các mặt hàng thực phẩm tươi sống (rau củ, trái cây, thịt, thủy hải sản). Giá cả các mặt hàng tại chợ ổn định so với ngày hôm trước.

Trên địa bàn thành phố có 103 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 449 chợ có kinh doanh thực phẩm, 473 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và 9.479 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu đang phục vụ người dân.