Một số ngân hàng tạm dừng cho vay bất động sản

ANTD.VN - Một số ngân hàng đã tạm dừng giải ngân các khoản cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng.

Trong văn bản mới đây gửi các chi nhánh, phòng giao dịch, Ngân hàng TMCP Thương tín (Sacombank) đã yêu cầu các chi nhánh, phòng giao dịch không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, ngoại trừ cho vay cán bộ nhân viên và người thân mua/xây/sửa bất động sản để ở. Thời gian áp dụng sẽ đến hết tháng 6/2022.

Ngân hàng yêu cầu các chi nhánh, phòng giao dịch tập trung tín dụng và các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên gồm: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao

Đồng thời, Sacombank cũng yêu cầu không thực hiện huy động - cho vay cầm cố sổ cùng lúc.

Một số ngân hàng đã tạm dừng giải ngân các khoản cho vay bất động sản

Một số ngân hàng đã tạm dừng giải ngân các khoản cho vay bất động sản

Không chỉ Sacombank, một ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản lớn là Techcombank cũng ra văn bản yêu cầu kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản.

Cụ thể, Techcombank cho biết, để đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng yêu cầu tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản (gồm chưa hoặc đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3/2022.

Đối với các khoản vay tạm dừng giải ngân này, Ngân hàng yêu cầu các đơn vị kinh doanh trao đổi, đàm phán với khách hàng để dời lịch giải ngân sang ngày 1/4/2022.

Động thái này có thể đến từ việc tín dụng tăng trưởng khá "nóng" trong tháng 3. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 21/3/2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng thời điểm này đã cao gấp 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái (1,47%).

Có thể thấy, tín dụng đã có sự bứt phá ngoạn mục trong tháng 3. Thống kê trước đó của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 2/2022 tín dụng so với đầu năm chỉ tăng 1,82%. Con số này đã giảm 0,92% so với tháng 1 (đạt 2,74%).

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 12/2021, tổng dư nợ tín dụng toàn ngành vào khoảng 10,44 triệu tỷ đồng. Như vậy, trong gần 3 tháng đầu năm, các ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế gần 421.000 tỷ đồng qua kênh cho vay.

Theo định hướng điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, trong năm nay cơ quan này sẽ điều hành tín dụng đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật liên quan, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng.

Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các Dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.