Một chính sách phi lý

ANTĐ - Tổng thống Mỹ B. Obama đã quyết định kéo dài thời hạn ngừng thực thi Điều 3 của đạo luật Helms-Burton liên quan đến việc tăng cường bao vây cấm vận chống Cuba. Tuy nhiên, động thái này hoàn toàn không phải là tín hiệu tích cực trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba.

Thủ đô La Habana của Cu Ba

Ra đời tháng 3-1996, LuậtHelms-Burton nhằm thắt chặt các biện pháp cấm vận đơn phương của Washington chống La Habana. Theo luật này, bất kỳ giám đốc công ty nào trên thế giới làm ăn với Cuba sẽ không được phép vào lãnh thổ Mỹ. Chính phủ Mỹ còn ép buộc chính quyền các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh và các nước thuộc khối NATO thi hành các biện pháp thắt chặt cấm vận chống Cuba, thậm chí đe dọa trừng phạt “bất kỳ nước nào” có quan hệ thương mại và trợ giúp Cuba.

Đây có thể coi là sự cụ thể hóa cuộc cấm vận toàn diện, phi lý và dài nhất trong lịch sử mà Mỹ áp đặt với một đất nước có chủ quyền. Thế nhưng, bất chấp sự bao vây, cấm vận, “hòn đảo tự do” - Cuba vẫn hiên ngang tồn tại, phát triển và đạt được những thành tựu làm cả thế giới khâm phục. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Cuba đã đạt được một số thành tựu về xã hội hơn hẳn nước Mỹ như bảo vệ sức khỏe toàn dân, giáo dục đại học và phổ thông, đồng thời bảo đảm lương thực, thực phẩm và các tiện nghi sinh hoạt tối thiểu.

Thực tế đó đã gây phản ứng ngay trong chính giới và người dân Mỹ. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều nước lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ vì những thiệt hại mà các công ty của họ phải gánh chịu. Chính phủ một số nước thậm chí còn đưa ra những đạo luật riêng để vô hiệu hóa Luật Helms-Burton. Chẳng hạn, Liên minh châu Âu (EU) cho rằng luật này chỉ có tác dụng trong lãnh thổ Mỹ và không có hiệu lực đối với các nước thành viên khối này.

Trước sức ép của các quốc gia và dư luận trong nước, từ thời cựu Tổng thống B. Clinton, Luật Helms-Burton đã được hoãn thực hiện. Từ đó tới nay, cứ 6 tháng một lần, các đời tổng thống Mỹ đều gia hạn việc ngừng thực thi Điều 3 của đạo luật này. Quyết định mới nhất của ông B. Obama chỉ là sự tiếp nối biện pháp bắt buộc mà những người tiền nhiệm đã làm nhằm tránh gây phản ứng cho các quốc gia châu Âu và Canada, cũng như ngăn chặn các nhóm cực đoan gốc Cuba ở Mỹ sẽ tạo ra một làn sóng kiện cáo và gây hỗn loạn tại các tòa án của Mỹ.

Trong 20 năm gần đây, chính trị thế giới đã có nhiều biến đổi lớn, chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ chống Cuba rõ ràng đã trở nên quá ư lạc hậu.