Bóng đá Việt Nam mùa giải 2012:

Mới chỉ thay “da”

ANTĐ - Chỉ vài vòng đấu khoác lên mình chiếc áo mới song giải vô địch quốc gia đã chứng kiến nhiều sự cố đáng tiếc. Kỳ vọng của người hâm mộ về một sân chơi đẹp mắt như bị dội gáo nước lạnh, kéo theo đó là sự hoài nghi: liệu Super League có mỹ mãn như nhiều người từng tuyên bố?

Người hâm mộ vẫn chưa được thấy thứ bóng đá sạch như kỳ vọng

Cuộc cách mạng do nhóm “bầu Kiên và những người bạn” với cái kết là sự ra đời của Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) được xem như tin vui cho bóng đá Việt Nam. Theo đó, trọng tài được tăng lương, trang bị các thiết bị hỗ trợ chuyên môn; mức thưởng của các CLB được giới hạn; hệ thống đào tạo trẻ mở rộng hơn… kèm lời khẳng định chắc nịch của ban lãnh đạo VPF, người hâm mộ đều mường tượng về một mùa giải trong mơ. Nhưng chỉ sau vài vòng khởi tranh, thực tế diễn ra lại khiến người ta phải ngao ngán. Trên sân cầu thủ lao vào ẩu đả, ngoài sân các CĐV ném vỡ cửa kính xe đội khách. Chưa kể các vấn đề nhức nhối tồn tại như công tác điều hành trận đấu của trọng tài, hay tổ chức giải vẫn không khả quan hơn so với các mùa giải trước. Ban kỷ luật VPF phải hoạt động hết công suất để giải quyết cả mớ sự cố, mới nhất là trận cầu gây tranh cãi trên sân Thống Nhất tại tứ kết cúp Quốc gia.

Rõ ràng cầu thủ là người đóng “vai trò” trực tiếp trong các sự cố bạo lực. Nhưng nguyên nhân sâu xa lại đến từ lỗi hệ thống, mà ở đó CLB chủ quản cũng phải chịu trách nhiệm. Lâu nay, cúp Quốc gia được ví như “chiếc cúp nhựa” nhiều CLB không mấy mặn mà thường chủ động buông để dồn sức cho giải đấu khác. Thế mới có chuyện, trong cuộc họp chuyên môn nọ, lãnh đạo đội bóng nói thẳng với các cầu thủ rằng “thích đá kiểu gì thì đá”, nếu thua… càng tốt. Chẳng trách, không ít cầu thủ vào sân chỉ với mục đích triệt hạ đối thủ để đòi “nợ” cá nhân, trong khi ở giải quan trọng là Super League sẽ khó có cơ hội đó do bị ràng buộc thành tích toàn đội. Ngoài ra, mức phạt (nếu) phải nhận sẽ vô tác dụng khi họ chơi ở giải đấu khác. Nhìn vào những diễn biến đầu giải, người hâm mộ không khỏi lo ngại về một viễn cảnh tồi tệ cho các giải quốc nội bởi mức độ căng thẳng sẽ ngày một tăng về cuối giải. Chẳng trách, một tổ chức có thâm niên hơn 10 năm tổ chức giải như VFF mà trước mỗi giải đấu, ông trưởng BTC chỉ mong giải kết thúc an toàn, bởi an toàn cũng có nghĩa thành công tốt đẹp.

Về phần mình, không khó để nhận ra sau hơn một tháng vận hành, tổ chức các giải đấu, VPF chưa để lại nhiều dấu ấn. Những thay đổi có chăng chỉ mới ở phạm vi bề ngoài, trong khi hàng loạt các khiếm khuyết bên trong vẫn tồn tại như một thách thức. Thời điểm VPF ra đời nhận được sự chia sẻ từ phía người hâm mộ, rằng “cứ đi rồi sẽ thành đường”. Tất nhiên, chẳng ai dám đòi hỏi sẽ được chứng kiến giải đấu sạch ngay từ mùa giải 2012, nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để chờ thêm 10 năm nữa như họ đã mong mỏi.