Ấn Độ:

Mica máu - nỗi lo từ những hầm mỏ trái phép

ANTD.VN - Tận sâu trong những khu mỏ mica bất hợp pháp ở Ấn Độ, có những đứa trẻ chỉ chừng 5 tuổi đang làm việc cùng với người lớn. Nơi đây ẩn giấu một bí mật đen tối mà hãng tin Reuters vừa tiết lộ: Có tới 7 lao động trẻ em tử vong chỉ trong 2 tháng qua.

Cô bé Gudiya, 13 tuổi, đang tìm kiếm mica từ một bãi đá

Những cái chết thương tâm

Nhu cầu về mica - khoáng vật tự nhiên làm vật liệu cho ngành công nghiệp nhẹ trên thế giới, đặc biệt là từ Trung Quốc rất cao khiến cho các chủ mỏ bất hợp pháp cố gắng tiếp cận các mỏ đã đóng cửa và tạo ra một thị trường đen màu mỡ. Con số từ Cục Hầm mỏ Ấn Độ cho thấy, nước này đã khai thác 19.000 tấn mica trong giai đoạn năm 2013-2014. Tính đến nay, Ấn Độ đã xuất khẩu 128.000 tấn mica, trong đó 62% sang Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Hà Lan và Pháp. 

Cuộc điều tra tiến hành trong hơn 3 tháng tại các bang sản xuất mica lớn như Bihar, Jharkhand, Rajasthan và Andhra Pradesh cho thấy, những hầm mỏ ở đây có rất nhiều lao động trẻ em. Nhờ những bàn tay bé nhỏ, các em được tận dụng để nhặt và sắp xếp các khoáng sản có giá trị tạo sự lấp lánh trong mỹ phẩm và sơn xe hơi.

Các cuộc phỏng vấn với những công nhân và địa phương cho thấy, các em nhỏ không chỉ bị đe dọa tính mạng trong các hầm mỏ “ma” nằm ngoài tầm kiểm soát. Thực tế, đã có 7 em thiệt mạng trong những hầm mỏ xiêu vẹo, đổ nát từ tháng 6-2016. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và theo nhân viên của tổ chức bảo vệ trẻ em Bachpan Bachao Andolan (BBA), số tử vong trình báo cảnh sát chưa tới 10%.

 Luật Ấn Độ cấm trẻ em dưới 18 tuổi làm việc trong các hầm mỏ và các ngành công nghiệp nguy hiểm, tuy nhiên nhiều gia đình vì quá nghèo đói nên phải dựa vào trẻ em để tăng thu nhập.

Thiếu niên Madan, 16 tuổi, con trai ông Vasdev Rai Pratap đã chết trong một mỏ mica cùng với 2 lao động trưởng thành khác ở bang Jahkhand vào ngày 23-6. Ông Vasdev không biết sự nguy hiểm của công việc trong hầm mỏ và rất hối hận vì đã cho con đi làm. Người cha này được chủ hầm mỏ hứa hẹn đền bù 100.000 rupee, tương đương 1.500 USD, nhưng chưa nhận được. Đây là hầm mỏ bất hợp pháp và không có ai đứng ra lên tiếng về cái chết của cậu bé.

Một phát ngôn viên của Bộ Hầm mỏ Ấn Độ cho biết, độ an toàn trong các hầm mica là một vấn đề mà các nhà chức trách đang phải đối mặt. Họ đang chịu nhiều áp lực trong xét cấp chứng nhận cho các mỏ bất hợp pháp.

Các quan chức thừa nhận, lao động trẻ em là một vấn đề tại một số hầm mỏ nhưng nó chỉ giới hạn ở những mỏ xa xôi, nơi các chính sách, dịch vụ của chính phủ không tới được với người nghèo. Nhà chức trách địa phương cũng đang cố gắng đưa ra chính sách hỗ trợ các gia đình có thêm thu nhập.

Sự hấp dẫn nguy hiểm

Ủy ban quốc gia về Bảo vệ quyền trẻ em (NCPCR) của Ấn Độ đã có cuộc điều tra tìm hiểu sự thật ở huyện Koderma và Giridh của Jharkhand vào tháng 6, họ thấy rằng có cả trẻ em 8 tuổi làm việc tại mỏ mica. Một cán bộ của NCPCR tên là Priyank Kanoongo cho biết, nhà chức trách không hề nhận được thông tin về trẻ em bị thương hay tử nạn do các tai nạn hầm mỏ vì các hầm đều bất hợp pháp. Tuy nhiên, việc này vẫn diễn ra.

Những hầm mỏ mica không an toàn, thậm chí đối với cả người lớn. Những chủ hầm mỏ biện hộ rằng bọn trẻ không làm việc bên trong hầm mà chỉ làm bên ngoài, chúng chỉ kiếm thêm chút tiền cho gia đình còn cha mẹ chúng làm việc trong các hầm mỏ. 

Tại khu vực Tisri của Giridih, 2 mẹ con cô Basanti đang bới tìm các mảnh mica. Cô nói rằng con mình đã làm việc trong các hầm mỏ từ khi lên 7 tuổi và với sự đóng góp của con trai, gia đình kiếm được 300 rupee (4 USD) mỗi ngày.

“Tôi biết là nguy hiểm nhưng đó là công việc duy nhất ở đây. Thằng bé cũng không thích làm và muốn đi học để có tương lai tốt hơn, nhưng trước tiên chúng tôi cần phải ăn” – Basanti nói. Còn bà mẹ 40 tuổi Sushila Devil có 6 đứa con, trong hơn 10 năm qua, ngày ngày bà vẫn cần mẫn thu lượm mica. Giống như hầu hết công nhân khác, bà không hề biết mức giá của loại vật liệu này khi bán ra trên thế giới.

Ngành công nghiệp mica vẫn là nguồn thu giá trị ở Ấn Độ, nơi có giá nhân công rẻ, đặc biệt là khi lao động trẻ em được sử dụng. Các nhà hoạt động xã hội hy vọng việc lên tiếng về những cái chết của trẻ em trong hầm mỏ mica và môi trường làm việc độc hại sẽ khiến nhà chức trách có hành động sớm.