Bắn súng Việt Nam từ Olympic Rio tới Olympic Tokyo:

Men say "kỳ tích Hoàng Xuân Vinh" và khoảng trống cần lấp đầy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bắn súng Việt Nam vừa khép lại chiến dịch Olympic Tokyo bằng một kết quả buồn khi không có VĐV nào giành suất tham dự, dù ở kỳ Thế vận hội trước đó, Hoàng Xuân Vinh được cả thế giới nhắc tên.

Thông tin cả 3 xạ thủ Việt Nam thi đấu Cúp bắn súng thế giới đang diễn ra tại Ấn Độ đều dừng bước từ vòng loại mang tới nỗi buồn vô tận cho bắn súng Việt Nam. Bởi nó đồng nghĩa, chiến dịch Olympic Tokyo đã khép lại trong thất bại.

5 năm trước tại Olympic Rio, Hoàng Xuân Vinh là cái tên được thế giới nhắc tới sau khi anh giúp thể thao Việt Nam lần đầu có HCV Thế vận hội. Nhờ "cột mốc vàng" đó mà bạn bè quốc tế biết đến bắn súng Việt Nam, còn Hoàng Xuân Vinh nhận về những ánh mắt ngưỡng mộ.

Sau khi lên đỉnh Olympic, Hoàng Xuân Vinh trở về với bia giấy, tậy "chay" và trường bắn xuống cấp

Sau khi lên đỉnh Olympic, Hoàng Xuân Vinh trở về với bia giấy, tậy "chay" và trường bắn xuống cấp

Sự ngưỡng mộ còn được nhân lên nhiều lần, khi tất cả biết rằng Hoàng Xuân Vinh đã bước lên đỉnh Olympic với ý chí "nghèo vượt khó", khi chỉ được tập luyện ở một cơ sở vật chất dưới mức chuẩn Đông Nam Á - chứ chưa nói tới chất lượng chuẩn châu lục và thế giới.

Ngưỡng mộ với một hiện tượng hy hữu của thể thao thế giới như trường hợp Hoàng Xuânh Vinh, song chẳng quốc gia nào định hướng mình theo con đường tương tự. Bởi tất cả đều hiểu rằng, nền tảng duy trì thành tích và vị thế một nền thể thao không thể trông chờ vào điều kỳ diệu, mà trên hết là một nền tảng khoa học, ở đó, các VĐV được tạo điều kiện tối đa để hoàn thiện kỹ năng.

Lên đỉnh vinh quang đã khó, trụ lại còn khó hơn. Hoàng Xuân Vinh là một minh chứng.

Sau khi vô địch Olympic 2016, xạ thủ của Quân hội thậm chí đã không thể giành HCV châu Á hay những kỳ SEA Games diễn ra sau đó. Và tới vòng loại Olympic Tokyo, Xuân Vinh chủ động từ bỏ cơ hội tham dự cuối cùng bằng việc rút lui khỏi Cúp bắn súng thế giới đang diễn ra tại Ấn Độ, khi nhận thấy việc từ vị trí 25 thế giới hiện tại leo lên hạng 16 - hạng tối thiểu giành quyền dự Olympic 2021 - gần như là bất khả kháng và trao lại nhiệm vụ đó cho người đồng đội Trần Quốc Cường đang xếp hạng 17 thế giới.

Đáng tiếc, cả Quốc Cường cũng đã thất bại.

Tâm lý thi đấu là nguyên nhân thường được dẫn giải cho những thất bại của Hoàng Xuân Vinh sau kỳ tích Olympic. Điều đó không sai, nhưng chưa đủ, bởi thành tích của VĐV là một quá trình tích luỹ mà ở đó, các yếu tố khách quan chi phối, mang tính quyết định.

Sẽ thật viển vông nếu cứ mơ về HCV Olympic nếu các xạ thủ ngay cả việc có đủ đạn để tập luyện, một chiếc bia điện tử tiêu chuẩn thế giới thay vì bia giấy lạc hậu còn không có!

Hãy nhìn sang Hàn Quốc - nền bắn súng hàng đầu thế giới, nơi mà bắn súng Việt Nam vẫn phải cậy nhờ cơ sở vật chất và hỗ trợ chi phí khi sang tập luyện - mỗi VĐV dự Olympic của họ ngoài các trang thiết bị hiện đại phục vụ tập luyện, thi đấu còn có bác sỹ sinh dưỡng, bác sỹ tâm lý và ê-kip hậu cần hùng hậu đi theo. Đó là hình ảnh mà khi chứng kiến, những xạ thủ "con nhà nghèo" như Xuân Vinh, Quốc Cương... không khỏi tủi lòng.

Từ đỉnh cao Olympic Rio tới "vực sâu" Olympic Tokyo không chỉ là khoảng cách của cảm xúc mà còn lộ ra những khoảng trống cần sớm được lấp đầy, những khoảng trống từng bị lãng quên bởi men say "kỳ tích Hoàng Xuân Vinh".