MB sẽ triển khai phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng MB đặt kế hoạch tìm kiếm, lựa chọn và triển khai phương án nhận chuyển giao bắt buộc 1 tổ chức tín dụng theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong định hướng hoạt động của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) trong năm 2022 sẽ được Hội đồng quản trị Ngân hàng trình Đại hội đồng cổ đông sắp tới.

Cụ thể, trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa công bố, MB dự kiến thông qua Chiến lược Tập đoàn Tài chính MB và định hướng Chiến lược từng Công ty thành viên giai đoạn 2022 – 2026.

Trong đó, MB xây dựng các chỉ tiêu chiến lược về tài chính tăng trưởng cao hơn bình quân ngành với doanh thu và lợi nhuận kỳ vọng năm 2026 gấp 2,5 lần đến 3 lần so với 2021. Riêng năm 2022, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế Tập đoàn là 20.300 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Trong trường hợp kinh tế vĩ mô diễn biến khó khăn, ngân hàng dự kiến lợi nhuận đạt 19.000 tỷ đồng, tăng 15%.

MB đang trong quá trình lựa chọn và triển khai phương án nhận chuyển giao bắt buộc 1 tổ chức tín dụng

MB đang trong quá trình lựa chọn và triển khai phương án nhận chuyển giao bắt buộc 1 tổ chức tín dụng

Đáng chú ý, HĐQT cho biết, nhằm mục tiêu tận dụng các cơ hội tăng trưởng quy mô nhanh chóng so với tốc độ hiện nay, củng cố và nâng hạng vị thế trên thị trường, MB sẽ tìm kiếm, lựa chọn và triển khai phương án nhận chuyển giao bắt buộc 01 tổ chức tín dụng, theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, NHNN và nghị quyết ĐHĐCĐ.

Đây là định hướng mà MB đã đặt ra từ năm ngoái. Ngân hàng cho biết, trên cơ sở các hướng dẫn của cơ quan quản lý, MB đã tổ chức thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Triển khai Đề án để đánh giá tính khả thi, hiệu quả của phương án tái cơ cấu tổ chức tín dụng và phối hợp các cơ quan thực hiện các thủ tục phù hợp quy định.

HĐQT MB kỳ vọng sẽ thực hiện thành công phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng, mở ra cơ hội để MB tăng tốc từ 1,5 - 2 lần tốc độ phát triển quy mô tài sản, tín dụng, mạng lưới, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu chiến lược trên 20 triệu khách hàng.

Cũng trong tài liệu trình ĐHĐCĐ, MB dự kiến tổng tài sản tăng 15% lên 700.000 tỷ đồng trong năm 2022. Vốn điều lệ tăng 24% lên 46.882 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng khoảng 16% lên 472.600 tỷ đồng và theo giới hạn room mà Ngân hàng Nhà nước giao cho.

MB cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 37.783 tỷ đồng lên 46.882 tỷ đồng, tức tăng thêm gần 9.100 tỷ. Trong đó, Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ thêm 892,4 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ thông qua năm 2021 (phát hành cổ phiếu riêng lẻ 70 triệu cổ phần cho Viettel, phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP).

Cùng với đó, triển khai phương án tăng vốn điều lệ mới năm 2022 với việc tăng vốn điều lệ thêm 7.556 tỷ đồng thông qua phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 20%; Chào bán cổ phiếu riêng lẻ mới thêm dự kiến 65 triệu cổ phiếu trong năm 2022 và 2023.