Mất điện giữa nắng nóng đỉnh điểm còn kéo dài đến bao giờ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, kéo dài nhiều ngày nhưng nhiều địa phương, trong đó có một số khu vực tại Hà Nội bị mất điện đã khiến người dân chao đảo, sinh hoạt bị đảo lộn.
Hồ thủy điện cạn nước, nguồn thủy điện suy giảm

Hồ thủy điện cạn nước, nguồn thủy điện suy giảm

Ngày 5-6, nhiều quận, huyện tại Hà Nội như: Đống Đa, Gia Lâm, Cầu Giấy, Hà Đông, Sơn Tây, Thạch Thất, Hoài Đức bị mất điện diện rộng, nhiều nơi kéo dài từ sáng đến chiều.

Tương tự hôm nay, theo Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI), nhiều nơi tại các quận, huyện như: Hà Đông, Quốc Oai, Hoài Đức… cũng bị cắt điện.

Trước đó, từ đầu tháng 6 khi nắng nóng đỉnh điểm diễn ra ở miền Bắc, tình trạng mất điện diện rộng đã diễn ra. Nhiều hộ kinh doanh, gia đình tại các quận, huyện “trở tay không kịp” khi bị cắt điện đột ngột, kéo dài hơn 10 tiếng/ngày, hoặc giữa đêm khuya, mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, sức khỏe giảm sút.

Anh Nguyễn Gia Thái (Long Biên, Hà Nội) cho hay: “Nhà tôi chuẩn bị đi ngủ thì bị mất điện. Ban đầu cả nhà cứ chờ đợi, nghĩ sắp có điện, sự cố cũng chỉ 1-2 tiếng là khắc phục xong nhưng chờ suốt đêm. Người lớn, trẻ em phờ phạc, mệt mỏi vì thiếu ngủ, nóng nực. Ngành điện cắt điện lâu vậy mà không báo trước cho người dân chuẩn bị”.

Chị Nguyễn Mai Phương (Quốc Oai- Hà Nội) cũng cho biết: “Nhà tôi có xưởng sản xuất nhỏ, cắt điện đột ngột làm sản xuất đình trệ. Mọi người trong gia đình cũng phải “sơ tán” đến nhà người thân để tá túc, tránh nóng nhờ. Không biết tình trạng cắt điện này còn tái diễn không vì giờ mới là đầu mùa hè?”.

Theo một chuyên gia trong ngành điện, việc cắt giảm phụ tải điện tại Hà Nội là khó tránh khỏi khi toàn miền Bắc thiếu điện. Tuy nhiên, EVNHANOI cũng không chủ động trong việc cắt điện giữa thời tiết nắng nóng.

“Việc cắt điện đột ngột ở nhiều nơi là do lệnh giảm phụ tải để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện khi vận hành liên tục, nguy cơ xảy ra sự cố chứ không có lịch từ trước. Các lịch cắt điện công khai của EVNHANOI thường là lịch sửa chữa theo kế hoạch đối với hầu hết các khách hàng lớn, không phải khách hàng chỉ sử dụng điện sinh hoạt”- vị chuyên gia nói.

Trên thực tế, cắt điện không chỉ diễn ra tại Hà Nội, mà diễn ra trên toàn miền Bắc, trong đó Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh… bị cắt khá dày, trong ngày chỉ có điện vài tiếng và xảy ra trong nhiều ngày.

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mùa hè năm nay, miền Bắc sẽ thiếu đến 4.900MW điện. Nhưng thực tế, những ngày qua, tình hình thủy văn không thuận lợi, nguồn thủy điện rất thấp, trong khi nhiệt điện chạy hết công suất nên không tránh khỏi sự cố. Chẳng hạn tại Quảng Ninh, chỉ có 3/7 nhà máy nhiệt điện hoạt động hết công suất do một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động vì nóng, chạy liên tục nguy cơ xảy ra sự cố.

Cụ thể, ngày 6-6, trao đổi với An ninh Thủ đô, đại diện EVN cho biết, từ đầu năm đến nay, diễn biến thủy văn bất lợi và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino dẫn tới hoạt động của các nhà máy thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đến thời điểm cuối tháng 5-2023, sản lượng điện quy đổi còn lại trong hồ thủy điện toàn hệ thống là 2,35 tỷ kWh, thấp hơn 1,736 tỷ kWh so với kế hoạch năm, trong đó riêng miền Bắc thấp hơn 1,23 tỷ kWh.

Đến ngày 3-6-2023 hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mức nước chết, trong đó có các hồ lớn bao gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Riêng các thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy máy tối thiểu ở dưới mực nước chết tiềm ẩn nhiều rủi ro trong vận hành.

Tổng công suất không huy động được của các nhà máy thủy điện ở phía Bắc ở mức khoảng 5.000MW.

Trong bối cảnh các hồ thủy điện thiếu nước nghiêm trọng thì một số tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống cũng bị suy giảm công suất hoặc bị sự cố do vận hành cao liên tục trong điều kiện thời tiết nóng gay gắt kéo dài.

Tại thời điểm ngày 5-6-2023, tổng công suất các tổ máy bị suy giảm công suất khoảng 926 MW, bao gồm: S1 Cẩm Phả, S1-S4 Hải Phòng, S1 Mạo Khê, S5 Phả Lại 2, S1-S4 Quảng Ninh, S1-S2 Sơn Động, S1-S2 Thăng Long, S7 Uông Bí, S1-S2 Mông Dương 2, S2 Formosa Hà Tĩnh;

Tổng công suất các tổ máy nhiệt điện bị sự cố khoảng 3.250 MW, bao gồm: 1L-S1, 2L-S2, 1L-S3, 2L-S4 Phả Lại 1; S6 Phả Lại 2; S2 Cẩm Phả; S2 Nghi Sơn 2; S1 Vũng Áng 1; S2 Mạo Khê; S2 Thái Bình 2, S1 Nghi Sơn 1. Trong khi đó, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng đã làm nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Trong tháng 6-2023, dự báo miền Bắc tiếp tục đối mặt với nắng nóng kéo dài trong gần 2 tuần liên tục, dự kiến phụ tải miền Bắc và hệ thống điện quốc gia sẽ tiếp tục có thể còn tăng cao hơn trong các ngày tới.

Do đó, nhiều thiết bị trên lưới điện phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm. Vì thế, nguy cơ quá tải, sự cố gây gián đoạn cung cấp điện, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm cũng sẽ tăng cao so với bình thường.

Đại diện các đơn vị khu vực miền Bắc cho hay, với điều kiện nguồn điện như trên và thời tiết còn nắng nóng kéo dài, một số thời điểm có thể không tránh khỏi gián đoạn cung cấp điện do tình trạng sự cố cục bộ xảy ra ở những khu vực nguồn điện hoặc lưới điện bị quá tải.

EVN chưa hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Trao đổi với báo chí về trách nhiệm của EVN trong việc cấp điện, Đại biểu Lê Thanh Vân- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho biết: "Việc cắt điện sinh hoạt của người dân trong những thời điểm thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng với nhiệt độ tăng cao đang diễn ra chưa phản ánh đúng tinh thần phục vụ nhân dân là rất đáng trách.

Điều này khẳng định rằng nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân của EVN không hoàn thành.

Tôi không hiểu tại sao bao nhiêu năm qua EVN vẫn không cân đối được nguồn điện, để đến mức hễ cứ vào thời kỳ cao điểm là thiếu điện, rồi cắt điện, không phát điện, trong khi lại phải nhập khẩu điện và giá điện liên tục tăng. Nếu thiếu đường truyền tải, tại sao lại không cho các doanh nghiệp khác (như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) đầu tư thêm 1 đường dây 500 kV thứ 2?".