Masan tham vọng đưa Việt Nam thành trung tâm phát triển công nghệ tái chế vonfram

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tối ngày 13/11, tại Hà Nội, Hội nghị bàn tròn Doanh nghiệp Việt Nam – Đức đã diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng hai nước. Tại hội nghị, ông Danny Le – Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan đã có bài phát biểu. Masan đề xuất Chính phủ Việt Nam xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép nhập khẩu phế liệu vonfram để đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho dự án Nhà máy tái chế vonfram. Đây là dự án trọng điểm mà Masan đang dồn toàn lực để nghiên cứu triển khai, với tham vọng đưa Việt Nam thành trung tâm phát triển công nghệ tái chế vonfram và các kim loại quý hàng đầu khu vực.

Doanh nghiệp Việt Nam và Đức là đối tác tốt

“Là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu tại Việt Nam, Masan luôn tích cực tìm kiếm và phát triển quan hệ với các đối tác lớn”, CEO Danny Le nói.

Phát biểu trước Thủ tướng hai nước Việt Nam, Đức, ông Danny Le cho biết, mối quan hệ của Masan và các doanh nghiệp CHLB Đức được bắt đầu từ năm 2013, khi Masan tìm kiếm công nghệ tinh luyện vonfram để thực hiện cam kết với Chính phủ Việt Nam về chế biến sâu, nâng cao giá trị cho sản phẩm khoáng sản trong nước.

Ông Danny Le – Tổng Giám đốc tập đoàn Masan phát biểu tại Hội nghị bàn tròn Doanh nghiệp Việt Nam – Đức

Ông Danny Le – Tổng Giám đốc tập đoàn Masan phát biểu tại Hội nghị bàn tròn Doanh nghiệp Việt Nam – Đức

Masan đã chọn H.C. Starck Tungsten GmbH – công ty hàng đầu về công nghệ tinh luyện vonfram của CHLB Đức với bề dày lịch sử 100 năm hoạt động và cũng là một trong số ít các công ty trên thế giới có nền tảng tái chế vonfram toàn diện và thân thiện với môi trường.

Năm 2020 Masan đã mua lại toàn bộ nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck với tổng công suất vào khoảng 13.300 tấn sản phẩm vonfram có giá trị cao, đưa Việt Nam trở thành nhà sản xuất vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc.

Tổ hợp nhà máy chế biến của Tập đoàn Masan tại Đức

Tổ hợp nhà máy chế biến của Tập đoàn Masan tại Đức

Cùng H.C. Starck, Masan đã mở rộng thị trường và mạng lưới khách hàng đến hơn 50 quốc gia, giúp gia tăng vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường vonfram quốc tế; tạo ra cơ hội để đào tạo và phát triển các chuyên gia kỹ thuật trong ngành vật liệu công nghệ cao của Việt Nam.

Việt Nam sẽ có nhà máy tái chế vonfram đầu tiên?

Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều từ 2017 đến nay thường xuyên ở mức 9-10 tỷ USD, riêng năm 2021 là 11,22 tỷ USD. Tính đến 10/2022, các doanh nghiệp Việt Nam có 36 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Đức với tổng vốn đầu tư và qua điều chỉnh đạt trên 283,3 triệu USD.

Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, các tập đoàn, doanh nghiệp Đức ngày càng quan tâm đến Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp chế tạo... Ông đề nghị doanh nghiệp hai nước bắt tay hợp tác để hai nước cùng phát triển.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan, ông Danny Le nhấn mạnh, với xu thế phát triển bền vững, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn trên toàn thế giới và trên cơ sở thành công của dự án tinh luyện vonfram sử dụng công nghệ cao, hiện nay Masan đang tiếp tục cùng với H.C. Starck tìm hiểu, nghiên cứu, tiến tới triển khai dự án xây dựng nhà máy tái chế vonfram đầu tiên tại Việt Nam. Mục tiêu của dự án sẽ là đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển công nghệ tái chế vonfram và các kim loại quý hàng đầu khu vực, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sơ cấp từ hoạt động khai thác khoáng sản.

Quy trình tái chế phế liệu tại H.C. Starck

Quy trình tái chế phế liệu tại H.C. Starck

Ông Danny Le cũng chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp hai nước về việc Masan vừa cùng với H.C. Starck ký kết thỏa thuận đầu tư 45 triệu bảng Anh vào Nyobolt - một công ty chuyên cung cấp giải pháp pin Li-ion sạc nhanh. Nyobolt dự kiến sẽ sử dụng vật liệu vonfram công nghệ cao trong lớp phủ cực dương của pin sẽ tạo ra một loại pin vượt trội, với thời gian sạc pin đầy hơn 90% trong chưa đến 5 phút; công suất cao hơn gấp 10 lần; độ bền gấp 10 lần, giúp tiết kiệm chi phí trên mỗi lượt sử dụng pin; gia tăng tính an toàn, khả năng chịu nhiệt cao hơn, giảm nguy cơ cháy nổ.

Tháng 7/2022, Tập đoàn Masan ký kết Thoả thuận hợp tác đầu tư với NyoBolt

Tháng 7/2022, Tập đoàn Masan ký kết Thoả thuận hợp tác đầu tư với NyoBolt

“Đến năm 2027 Masan không những là nhà cung ứng vật liệu công nghệ cao hàng đầu thế giới mà còn trực tiếp tham gia, dẫn dắt thị trường các sản phẩm tiêu dùng công nghệ toàn cầu trong một tương lai không xa, mà pin hiệu suất cao mới chỉ là sản phẩm bước đầu”, ông Danny Le chia sẻ.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan bày tỏ mong muốn Chính phủ Đức có các phương án hỗ trợ giá năng lượng cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và cho phép công ty được tiếp cận một cách linh hoạt hơn đối với nguồn phế liệu có chứa kim loại chiến lược sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp tái chế tại Đức.

Nhà máy chế biến sâu vonfram tại mỏ vonfram đa kim Núi Pháo, Thái Nguyên, Việt Nam

Nhà máy chế biến sâu vonfram tại mỏ vonfram đa kim Núi Pháo, Thái Nguyên, Việt Nam

Tập đoàn Masan cũng đề xuất Chính phủ Việt Nam xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép nhập khẩu phế liệu vonfram để đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho dự án Nhà máy tái chế vonfram – một dự án trọng điểm mà Masan đang dồn toàn lực để nghiên cứu triển khai, với tham vọng đưa Việt Nam thành trung tâm phát triển công nghệ tái chế vonfram và các kim loại quý hàng đầu khu vực, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sơ cấp từ hoạt động khai thác khoáng sản.