Khi các bên đã sẵn sàng khôi phục quan hệ
Mối quan hệ giữa Nga - Iran được nâng lên cấp độ mới vào tháng 9-2015, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin can thiệp quân sự vào Syria để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad, cũng là một đồng minh của Iran. Về mặt quân sự, hai cường quốc này đã có sự bổ sung cho nhau. Iran mang tới lực lượng bộ binh có kỷ luật và hợp tác tốt với các đồng minh Syria, trong khi Nga cung cấp lực lượng không quân hàng đầu mà Iran và chính quyền của ông Assad không có. Về mặt ngoại giao, các chiến dịch chung đã giúp Tehran và Moscow có vai trò trung tâm trong tất cả các cuộc thảo luận về cấu trúc an ninh khu vực.
Tính tới thời điểm này, hoạt động quân sự của Nga và Iran ở Syria đã giành được những thắng lợi hết sức quan trọng. Qua việc trợ giúp cho chính quyền Bashar Assad trấn áp Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và quân nổi dậy, uy tín của Nga trong khu vực ngày một tăng lên. Một tổn thất không nhỏ khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra xung đột sau vụ bắn hạ máy bay Su-24 ở Syria, nhưng hai bên đã bắt đầu hòa giải để mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước. Các nhà phân tích cho rằng, sau cuộc đảo chính quân sự bất thành vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ cá nhân giữa ông Putin và Erdogan có thể sẽ sâu sắc hơn.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí phương Tây đầu tiên kể từ sau cuộc đảo chính bất thành vào ngày 15-7, ông Recep Tayyip Erdogan đã thẳng thừng phê phán các nước vốn là đồng minh của Thổ như Liên minh châu Âu và Mỹ. Ông Erdogan nói rằng những người bạn này thiếu thiện chí, không biết giúp đỡ bạn bè lúc hoạn nạn... Đúng là sau vụ đảo chính bất thành, không một lãnh đạo châu Âu nào tiếp cận với lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả các cuộc điện thoại cũng hiếm hoi.
Trái lại, chỉ có Tổng thống Vladimir Putin là người đầu tiên gọi cho ông Recep Erdogan. Lãnh đạo Nga không lên án hành động của Erdogan sau đảo chính, trong khi phương Tây đánh giá làn sóng trả đũa vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là thô bạo, là phản dân chủ. Việc ông Erdogan lựa chọn Nga trước tiên là một tín hiệu bắn đến phương Tây rằng Moscow và Ankara vẫn là đối tác chính của nhau. Và chỉ 4 ngày sau đảo chính, ông Erdogan xuất hiện trên truyền hình tuyên bố kế hoạch thay đổi chính sách đối ngoại “chấm dứt đối đầu với các quốc gia láng giềng” - hàm ý chỉ Nga và Syria.
Trong khi đó, Iran nhanh chóng lên án đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ 2 giờ sau khi nó bắt đầu. Nhiều quan chức an ninh và đối ngoại ở Tehran liên tục liên lạc với Tổng thống Erdogan và nội các trong suốt ngày 16-7.
“Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia láng giềng. Tổng thống Erdogan cùng Chính phủ là đối tác quan trọng đối với Iran. Đất nước chúng tôi hưởng mối quan hệ hữu nghị vững mạnh này, do đó ít nhất chúng tôi có thể làm điều gì đó để thể hiện tình đoàn kết và giúp đỡ họ trong thời khắc nước sôi, lửa bỏng này”, một quan chức Tehran nói với Hãng tin Al Monitor.
Bên cạnh đó, ông Rahimpur nhấn mạnh Iran sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ chiến dịch nhân đạo của Nga ở Aleppo (Syria). Hiện Nga đang chuyển nhiều tấn hàng viện trợ nhân đạo tới Aleppo và giúp mở một số hành lang nhân đạo để dân thường có thể rời khỏi thành phố này. Trong bối cảnh ấy, Erdogan thổ lộ với người đồng cấp Iran rằng hơn bao giờ hết, ông sẵn sàng hợp tác với Nga và Iran.
“Chúng tôi thiết lập quan hệ hợp tác với Iran và Nga để giải quyết các vấn đề khu vực và đây là bước đi đáng kể của chúng tôi cho sự trở lại của một khu vực hòa bình và ổn định”, ông Recep Erdogan nói.
Đến những dấu hiệu tích cực
Đối với Nga - nước đang chịu sự cô lập của phương Tây, việc làm bạn với Thổ Nhĩ Kỳ được cho là hứa hẹn nhiều triển vọng tích cực không chỉ trong việc khôi phục quan hệ kinh tế mà còn là sự hợp tác về chính trị ở Trung Đông, trong đó có vấn đề Syria.
Hiện cả Ankara và Moscow được cho là cần sự thống nhất và ổn định ở Syria. Việc tiếp diễn cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria sẽ khiến thêm nhiều binh sĩ Nga thiệt mạng cũng như lây lan chủ nghĩa khủng bố, ly khai và mất ổn định đối với Thổ Nhĩ Kỳ hay rộng hơn là toàn khu vực.
Chính vì vậy, hòa bình ở khu vực Trung Đông được cho là cần thiết cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, điều này có thể trở thành nền tảng hợp tác chính trị giữa hai nước. Những hoạt động ngoại giao tích cực của Nga trong thời gian gần đây khiến các nhà phân tích không thể không nghĩ về việc hình thành trục Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ. Khởi đầu là cuộc gặp ba bên (Nga - Iran - Azerbaijan) ngày 8-8. Tại cuộc gặp này, chủ đề chính được các nhà lãnh đạo bàn luận là an ninh khu vực.
Tuy nhiên, dự án giao thông “Bắc - Nam” với tổng chiều dài 7.200km thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả 3 nước. “Nó nhằm mục đích tạo ra những cơ hội tốt nhất cho sự vận chuyển hàng hóa quá cảnh từ Ấn Độ, Iran, các nước vùng Vịnh trên lãnh thổ của Azerbaijan, Nga, và sau đó đi vào phía Bắc và Tây Âu” - Tổng thống V.Putin trả lời phỏng vấn Hãng Thông tấn quốc gia Azerbaijan vào đêm trước của chuyến thăm Baku.
Tiếp theo, “cuộc họp chiến lược” giữa V.Putin và Recep Erdogan ngày 9-8 tại St.Peterburg nhằm nối lại quan hệ giữa hai nước và đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực thực sự là điểm nhấn trong hoạt động ngoại giao của Nga trong những ngày này.
Nếu có sự kết nối giữa hai cuộc gặp gỡ trên, đưa Ankara vào liên minh Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ thì đó là thắng lợi lớn của Moscow. Tuy nhiên, theo giới phân tích, ý tưởng thành lập trục Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ cần nhiều thời gian và không ít nỗ lực của các bên, trong đó có cả việc tạm gạt bỏ lợi ích cá nhân mà tập trung hướng vào lợi ích chung.