Mánh khóe né thuế của các công ty đa quốc gia

ANTD.VN - Mặc dù Tập đoàn Google đồng ý bỏ ra 306 triệu euro để giải quyết cuộc tranh cãi về gian lận thuế tại Italy, nơi tập đoàn này đang bị điều tra về việc khai báo lợi nhuận kinh doanh tại Italy sang Ireland, nhưng nó chưa giải quyết được tình trạng trốn thuế mà châu Âu đang phải đối mặt.

Mánh khóe né thuế của các công ty đa quốc gia ảnh 1Trụ sở của Google ở California, Mỹ

Theo người phát ngôn của Google, tập đoàn này và Cơ quan thuế Italy đạt được giải pháp giải quyết cuộc điều tra về thuế giai đoạn 2002-2015 mà không cần kiện tụng. Ngoài khoản thuế mà Google đã trả ở Italy trong những năm qua, Google sẽ trả thêm 306 triệu euro, trong đó hơn 303 triệu euro thuộc về trách nhiệm của chi nhánh Google ở Italy và gần 3 triệu euro thuộc về chi nhánh Google ở Cộng hòa Ireland.

Đây là diễn biến mới nhất liên quan đến một trong những vụ tranh chấp về thuế giữa Google với một số nước châu Âu. Lâu nay, Google là một trong nhiều công ty đa quốc gia bị “chĩa mũi dùi” nhiều nhất ở châu Âu về cáo buộc nộp thuế cực thấp bằng cách chuyển lợi nhuận ra nước ngoài trong một mạng lưới dàn xếp tài chính phức tạp.

Bốn năm trước, phóng viên Bloomberg Jesse Drucker đã tiết lộ chiêu thức Apple, Google, Microsoft và các công ty lớn khác né thuế trên lợi nhuận ở châu Âu, nơi hầu hết các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ bị đánh thuế nặng nề. Con số điều tra cho thấy Google trả tiền thuế ít nhất, 2,4% trên lợi nhuận ghi nhận ở nước ngoài, so với mức thuế suất thuế thu nhập chính thức 35% ở Mỹ và mức 21% ở Anh - thị trường lớn thứ hai của Google.

Để đạt được điều này, Google đã sử dụng kẽ hở trong luật pháp như ở Ireland, chuyển vào rồi lại rút ra một cách liên tục lợi nhuận thu được giữa các công ty con của mình tại quốc gia này, qua đó thoát được mức áp thuế 12,5%. Chính nhờ mánh khóe đó, lợi nhuận của Google ở nước ngoài tăng nhanh hơn 5 lần, từ 7,7 tỷ USD lên 38,9 tỷ USD trong giai đoạn 2009-2013.

Không riêng gì Google, ông Martin A. Sullivan, cựu quan chức của Bộ Tài chính Mỹ, cho biết ngay từ một thập kỷ trước đây, các công ty Mỹ đã nhanh chóng thay đổi cách thức báo cáo lợi nhuận ra nước ngoài từ nơi họ thu lợi nhuận như Anh, Canada, Pháp, Đức, đến những nơi mà họ có rất ít hoặc không có hoạt động kinh doanh thực tế, chẳng hạn như Ireland, Bermuda, quần đảo Cayman và Singapore với mức thuế thấp hơn nhiều.

Các chính trị gia châu Âu biết rõ điều này và dân chúng châu lục này thì tức giận về việc Google và các công ty lớn khác gần như miễn thuế trên lãnh thổ nước họ. Tuy nhiên có một thực tế là hầu hết các quốc gia châu Âu đều cạnh tranh nhau để thu hút cơ hội việc làm và đầu tư nước ngoài do các công ty khổng lồ đa quốc gia như Google, Apple hay Facebook mang lại. Họ cũng muốn thu được thuế từ các công ty giàu có để chống đỡ cho một nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Ông H. David Rosenbloom - một luật sư thuế quốc tế nổi tiếng của Công ty Caplin & Drysdale chỉ rõ: “Rõ ràng, trong nhiều thập kỷ, một số nước EU đã áp dụng các chính sách quốc gia thu hút đầu tư, do đó, đưa ra những lợi ích về thuế bất công và không minh bạch”. 

Biết thế nhưng vì lợi ích sát sườn, không phải lúc nào châu Âu cũng làm căng với các công ty đa quốc gia hùng mạnh. Như vụ gian lận thuế của Google tại Italy, báo chí cho biết vụ mặc cả 306 triệu euro mà Google bỏ ra để dập tắt vụ kiện thấp hơn nhiều so với mức dự tính lúc đầu là 800 triệu euro.