Mắm tôm, miến dong OCOP “xuất ngoại”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Nguyễn Minh Tiến- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2023, mắm tôm Lê Gia đã xuất khẩu sang Nhật và Australia; còn miến dong của Bình Liêu (Quảng Ninh) cũng sắp xuất khẩu sang châu Âu và châu Úc.
Sản phẩm OCOP ngày càng được ưa chuộng

Sản phẩm OCOP ngày càng được ưa chuộng

Chia sẻ tại tọa đàm “Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP” do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Nguyễn Minh Tiến cho hay, số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP (đặc sản mỗi xã một sản phẩm) hiện tăng rất nhanh. Đến thời điểm này, đã có 11.054 sản phẩm OCOP.

“Chất lượng sản phẩm OCOP đã được nâng cao và cải thiện rất nhiều, đặc biệt là việc ứng dụng các công nghệ, sản phẩm OCOP là sự kết tinh giữa các giá trị bản địa với khoa học, công nghệ và sự sáng tạo, tâm huyết của các chủ thể đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hiện đại.

Cùng với đó, mẫu mã cũng như bao bì đã được cải thiện rõ rệt, không thuần túy là bao bì đơn giản như trước đây”- ông Nguyễn Minh Tiến nói.

Và để chinh phục người tiêu dùng, theo ông Nguyễn Minh Tiến, các sản phẩm OCOP đều đạt được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam như là ISO, HACCP, GAP. Thậm chí, một số sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm OCOP 5 sao và tiềm năng 5 sao thì cũng đạt được những tiêu chuẩn của thị trường thế giới.

Công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP cũng được đẩy mạnh.

“Trước đây chúng ta chỉ nghĩ đến các sản phẩm có thế mạnh như là gạo hay là các loại hạt nhưng đến nay, kể cả những sản phẩm đặc sản như mắm tôm, trong năm 2023, mắm tôm Lê Gia đã XK sang Nhật, Australia; hay miến dong của Bình Liêu cũng sắp xuất khẩu sang châu Âu và châu Úc”- ông Nguyễn Minh Tiến nói.

Ông Nguyễn Thế Anh- Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cho biết, trên sàn TMĐT Postmart hiện có hơn 8.000 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm này người tiêu dùng đều có thể truy xuất được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm đảm bảo và giá cả hợp lý.

Theo ông Đào Đức Hiếu- Giám đốc Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng, trà shan tuyết Suối Giàng hiện nay ngoài kênh phân phối truyền thống đã tham gia các kênh TMĐT trong nước và xuyên biên giới, hay đưa vào khách sạn 5 sao, hệ thống sân bay…

Để tiếp cận khách hàng, ông Đào Đức Hiếu cho rằng, sản phẩm cần phải có câu chuyện, theo đó, là các hoạt động bên lề chuyên nghiệp, từ hình ảnh, từ câu chuyện đến sản phẩm để khách hàng có thể tiếp cận được rồi bắt đầu mới có cơ hội giới thiệu được truy xuất nguồn gốc là gì, như thế nào, chất lượng ra làm sao và để thâm nhập thị trường của quốc tế thì chúng ta cũng cần phải có nghiên cứu thị trường để xem là thị trường đấy họ cần tiêu chuẩn gì, bởi vì mỗi một quốc gia lại có tiêu chuẩn khác nhau.

Cùng với đó, cần tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm OCOP. Chẳng hạn như với sản phẩm trà truyền thống chỉ có giá bán 200.000- 300.000 đồng/kg... nhưng khi chế biến thành hồng trà, bạch trà... giá bán sản phẩm có thể lên tới 1-2 triệu đồng/kg, thậm chí 10 triệu đồng/kg.