Mắc "bẫy" đa cấp, đòi tiền ở đâu?

ANTD.VN - Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt công ty đa cấp có sai phạm bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hoặc phải tạm ngừng hoạt động, đồng nghĩa với việc hàng nghìn người trở thành nạn nhân của kinh doanh đa cấp biến tướng. Góp tiền vào đa cấp thì dễ, nhưng để rút được tiền ra khi doanh nghiệp gặp sự cố không phải là câu chuyện đơn giản. 

Co cụm hoạt động

Theo thông báo của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), chỉ trong 1 tuần đầu tiên của tháng 3-2017, 5 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đã bị rút giấy phép hoạt động, bao gồm: doanh nghiệp Tiến Thịnh Phát; Công ty Cổ phần Nhượng quyền Thương mại Quốc tế G10; Công ty TNHH MTV Gano Excel Việt Nam; Công ty TNHH My Fortuna và Công ty Cổ phần Queenet Quốc tế. Cùng thời gian này, CATP Hà Nội cũng được Ủy thác điều tra của Cục Cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an đối với vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo 868 và Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 68.

Thực tế này một mặt cho thấy sự quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi những biến tướng của hoạt động kinh doanh đa cấp, một mặt chứng tỏ hoạt động kinh doanh từng “làm mưa làm gió” này đã sai phạm nhiều đến mức nào, bởi nếu hoạt động kinh doanh lành mạnh, họ sẽ không phải rời thị trường. 

Thống kê sơ bộ của Bộ Công Thương cho thấy, trong hơn 1 năm qua, kể từ khi hoạt động kinh doanh đa cấp bị siết chặt quản lý, đã có khoảng 40 doanh nghiệp đa cấp bị rút giấy phép hoạt động hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về giấy phép theo quy định. Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ Hiệp hội Bán hàng đa cấp thì con số thực tế doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh ở lĩnh vực này còn lớn hơn - “Số doanh nghiệp của Hiệp hội cũng giảm mạnh, xuống chỉ còn hơn 10 công ty. Hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng không còn bát nháo như trước, nhưng doanh nghiệp chân chính hoạt động cũng chững lại”.

Nạn nhân có đòi được tiền?

Vấn đề đáng được quan tâm nhất trong việc giải quyết hậu quả của sai phạm trong lĩnh vực này chính là liệu nạn nhân có đòi lại được tiền đã đóng góp, đòi được quyền lợi của mình như cam kết của doanh nghiệp lúc mời gọi họ tham gia? 

Trên thực tế, theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP về kinh doanh đa cấp, khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có nghĩa vụ đảm bảo các quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Theo đó, khi công ty bán hàng đa cấp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thì sẽ phải chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.

Trong trường họp công ty không còn khả năng thanh toán, nghĩa vụ với người tham gia được thực hiện bằng cách lấy khoản tiền ký quỹ tại các ngân hàng thương mại (tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng) để thực hiện các nghĩa vụ với người tham gia 

Nếu người tham gia đã nộp tiền vào công ty mà chưa được nhận hàng và công ty chưa thực hiện đủ nghĩa vụ, người tham gia có thể yêu cầu công ty thanh toán hoặc hoàn trả bằng tiền các nghĩa vụ mà công ty chưa thực hiện. Trong trường hợp công ty không còn khả năng thanh toán, nghĩa vụ với người tham gia được thực hiện bằng cách lấy khoản tiền ký quỹ tại các ngân hàng thương mại (tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng) để thực hiện các nghĩa vụ với người tham gia. 

Tuy nhiên, theo một vị chuyên gia trong lĩnh vực này, người tham gia rất khó để đòi lại quyền lợi khi các doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, bởi lẽ số lượng người tham gia quá lớn trong khi số tiền ký quỹ lại quá ít.

Chuyên gia này giải thích: “Trong mô hình hoạt động của doanh nghiệp đa cấp lừa đảo, biến tướng, người ta trả tiền hoa hồng rất cao cho những người đứng đầu, những thủ lĩnh, mà ai góp tiền vào cũng nhận lại hoa hồng ngay lập tức, kể cả chưa cần nhận hàng. Thế nên chính doanh nghiệp không có tiền để làm vốn. Khi gặp sự cố, “thủ lĩnh” chạy mất, người tham gia đến doanh nghiệp để đòi nhưng doanh nghiệp đâu có tiền”.

Dẫn chứng từ vụ Liên kết Việt thời điểm năm 2016 cho thấy, những “thủ lĩnh” top đầu được chia 15-20 tỷ đồng. Họ đã nhanh chóng đi chỗ khác nên công ty không thể thanh toán. “Vì vậy, người tham gia cần tỉnh táo. Không có chuyện chỉ góp tiền vào là tiền sinh lời dễ dàng theo cấp số nhân đến thế” - vị chuyên gia cảnh báo. 

Sẽ vào khuôn khổ

Kinh doanh đa cấp vốn không phải là lĩnh vực có nhiều mặt trái, nhưng bất cập xảy ra khi những người tham gia hoạt động này cố tình lợi dụng lòng tin, lợi dụng tiền của người khác để vụ lợi. Đáng tiếc là cho dù có hàng loạt điểm vô lý trong những lời chào mời tham gia bán hàng đa cấp nhưng hàng nghìn người vẫn lao vào để rồi trở thành nạn nhân.

Đa cấp biến tướng đã làm họ không chỉ mất tiền của, mà còn mất cả tình thân. Trên thế giới, hoạt động kinh doanh này vẫn phát triển, vẫn có sai phạm nhưng họ đã kịp thời điều chỉnh chính sách tạo điều kiện cho loại hình kinh doanh này phát triển. 

Thực tế, để hoạt động kinh doanh đa cấp phát triển nền nếp, lành mạnh, hạn chế rủi ro, thời gian tới, một Nghị định thay thế Nghị định 42 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp sắp được ban hành. Nghị định mới có nhiều điểm tiến bộ, chẳng hạn như quy định công ty đa cấp phải có người đại diện đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương thay vì chỉ làm ở chi nhánh như trước đây.

Hệ thống lưu trữ hoa hồng, thông tin hoa hồng, người tham gia… cho người tham gia phải đặt tại Việt Nam để trong trường hợp cần thiết, cơ quan chức năng truy vấn được. Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng chỉ góp tiền là được chi hoa hồng, không xuất hàng hóa, Nghị định mới yêu cầu doanh nghiệp cấp mã số, hợp đồng, tiền hoa hồng phải trả qua tài khoản ngân hàng. Người mua hàng bằng tiền mặt, nhưng phải trả hoa hồng bằng tài khoản. Khi đó buộc phải có chứng từ kèm theo mỗi mã số người tham gia. Đây là cách quản lý rất chặt chẽ, hạn chế thấp nhất rủi ro cho người tham gia.

Về quy định đào tạo, cứ 10 nhà phân phối tham gia thì doanh nghiệp phải thông báo với địa phương, 30 người tham gia thì phải có giám sát của Sở Công Thương địa phương để tránh trường hợp doanh nghiệp “nổ to”. Như vậy, chỉ những doanh nghiệp có năng lực thực sự mới được hoạt động kinh doanh đa cấp.

Cùng với quy định này, Hiệp hội Bán hàng đa cấp cũng sẽ buộc các doanh nghiệp tham gia ký cam kết quy chế đạo đức và có giám sát để hoạt động này phát triển lành mạnh, bền vững. Song bên cạnh đó, từ những sai phạm nhìn thấy trong thực tế, người tham gia cũng cần tỉnh táo trước khi tham gia hoạt động này, tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho đa cấp biến tướng.