Ly kỳ chuyện hắt hơi

(ANTĐ) - Có nhiều người thường hắt xì hơi không phải một lần, hai lần mà ba lần một lúc, lại vào những thời điểm lạ kỳ như sau khi tập thể dục, khi nhổ lông mày hay khi tiếp xúc với trời nắng... Hiện tượng quá quen thuộc hàng ngày nhưng khi để ý đến thì câu chuyện quanh cái hắt hơi cũng đầy ngạc nhiên thú vị.

Ly kỳ chuyện hắt hơi

(ANTĐ) - Có nhiều người thường hắt xì hơi không phải một lần, hai lần mà ba lần một lúc, lại vào những thời điểm lạ kỳ như sau khi tập thể dục, khi nhổ lông mày hay khi tiếp xúc với trời nắng... Hiện tượng quá quen thuộc hàng ngày nhưng khi để ý đến thì câu chuyện quanh cái hắt hơi cũng đầy ngạc nhiên thú vị.

Hắt hơi bắt đầu từ cơ quan thần kinh của con người. Mỗi hệ thần kinh đều có cấu trúc như nhau, nhưng các tín hiệu truyền đến và truyền đi từ não khác nhau, dẫn đến các dạng hắt hơi khác nhau giữa người này với người khác. Nhưng nhìn chung, có một tín hiệu nói với bộ não rằng có gì đó lạ ở mũi cần phải trục xuất ra ngoài ngay.

Hắt hơi giúp cơ thể thêm khỏe mạnh bởi đơn giản đây là một quá trình quan trọng của hệ miễn dịch, giúp chúng ta không bị sổ mũi. Cơ chế bảo vệ sức khỏe của nó là giúp làm sạch vi khuẩn, virus trú trong mũi. Khi tác nhân lạ xâm nhập vào mũi chạm vào “trung tâm hắt hơi” của não, các tín hiệu nhanh chóng chuyển tới họng, mắt và miệng. Cơ ngực co lại để dồn khí lực vào, sau đó cơ cổ họng nhanh chóng nới lỏng ra, không khí kèm theo nước bọt thoát ra miệng và mũi - thế là người ta hắt hơi.

Khi nào người ta hay hắt hơi? Nhổ lông mày có thể khiến bạn hắt xì hơi bởi hoạt động này đụng chạm đến dây thần kinh ở mặt thông với mũi. Người ta cũng có thể hắt hơi khi tập thể dục vì với bài tập cường độ cao, hệ hô hấp hoạt động quá sức khiến miệng và mũi khô hơn. Mũi khi đó phản ứng lại bằng cách hắt hơi. Trong khi đó, nhiều người cứ ra nắng là hắt hơi, thậm chí 1/3 số chúng ta đều gặp phải trường hợp này. Chỉ có thể giải thích đây là sự nhạy cảm về ánh sáng. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tin rằng do sự kích thích của hệ thống thần kinh đối giao cảm mà ai đó hay hắt hơi sau khi làm “chuyện ấy”.

Bạn có biết, tốc độ của không khí trong một cơn hắt hơi trung bình khoảng 160km/h, đồng thời đưa vào trong không khí 100.000 vi trùng mỗi lần. Kỷ lục thế giới từng ghi nhận cho Donna Griffiths, người Worcestershire, Anh quốc với 978 ngày hắt hơi liên tục, kể cả giữa bữa ăn, trừ lúc ngủ. Trận hắt hơi khởi đầu năm 1981, Donna Griffiths khi ấy mới 2 tuổi và chỉ dừng lại sau hơn 2 năm.

Còn chúng ta? Nếu tính trung bình mỗi ngày không dưới 4 lần, không kể khi trái nắng trở trời thì hàng năm mỗi người  hắt hơi sơ sơ cũng 1.500 cái. Trong số loài vật thì kỳ nhông (tên khoa học là iguana) hắt hơi nhiều nhất và hắt hơi mang lại lợi ích nhất bởi khi đó chúng giải phóng bớt lượng muối sinh ra trong quá trình tiêu hóa.

Khi ngủ người ta không hắt hơi bởi khi đó hệ thống thần kinh này được nghỉ ngơi. Còn làm thế nào để ngừng hắt hơi, một cách đơn giản là cố gắng thở qua đường miệng đồng thời kẹp chặt mũi lại.

Phương Tây cũng có khá nhiều điều mê tín quanh hiện tượng hắt hơi, có những điều không đúng về mặt khoa học. Ví dụ, không đúng khi nói rằng khi hắt hơi thì tim ngừng hoạt động. Lúc đó, ngực siết lại, dòng máu trong cơ thể thu lại khiến cho nhịp tim thay đổi nhưng không có nghĩa là ngừng hoạt động. Người Mỹ có câu khi mèo hắt hơi là trời mưa hay khi hắt hơi, nếu mở mắt thì con người sẽ “lồi” ra, tất nhiên là đều không có cơ sở khoa học.

Nhiều dân tộc trên thế giới còn có tục lệ khi ai đó hắt hơi, nhiều người cầu phúc cho họ. Theo giải thích thì từ hắt hơi trong tiếng Hy Lạp là “pneuma”, nghĩa là “linh hồn”. Theo quan niệm cổ xưa, hắt hơi là gần với cái chết, khi cầu phước lành sẽ ngăn linh hồn – hay hắt hơi rời khỏi thân xác, đồng thời chặn ma quỷ xâm nhập vào. Thần thoại Hy Lạp cũng kể rằng: Năm 400 trước công nguyên, tướng Xenophon trong khi ra sức động viên các chiến binh cùng ông liều mình chống lại người Ba Tư, bỗng một chiến binh hắt hơi mấy tiếng liền. Ai nấy đều cho rằng tiếng hắt hơi ấy là lời của thần linh, tất cả nhất loạt quỳ xuống, tuân lệnh ông. Rất nhiều chuyện tương tự cho rằng sự hắt hơi của mình không do mình mà do một đấng cao siêu điều khiển. 

Yến Chi (Tổng hợp)