Lý giải nguyên nhân lũ lụt với sức tàn phá khủng khiếp ở Pakistan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đợt lũ lụt chưa từng có xảy ra tại Pakistan khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và 30 triệu người bị ảnh hưởng. Khủng hoảng khí hậu được cho là nguyên nhân chính của đợt thiên tai khủng khiếp này, nhưng nó rất có thể là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố nguy hiểm khác.
Hàng triệu người Pakistan bị mất nhà cửa do đợt mưa lũ kinh hoàng

Hàng triệu người Pakistan bị mất nhà cửa do đợt mưa lũ kinh hoàng

Số người thiệt mạng do lũ lụt ở Pakistan kể từ tháng 6 đã lên tới 1.136 người, theo số liệu do Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia nước này công bố hôm 29-8. Đợt mưa lũ chưa từng có đã khiến gần 1 triệu ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng, nhiều con đường không thể đi qua và tình trạng mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng đến ít nhất 33 triệu người.

Đây là trận lụt tồi tệ nhất trong lịch sử của Pakistan. Nguyên nhân rõ ràng là lượng mưa kỷ lục. Bà Sherry Rehman, Bộ trưởng về biến đổi khí hậu của Pakistan cho biết: “Pakistan chưa bao giờ chứng kiến một chu kỳ mưa gió mùa không gián đoạn như vậy. 8 tuần mưa không ngừng đã để lại những vùng nước khổng lồ. Đây là một trận đại hồng thủy, đợt mưa gió mùa “quái vật” đang tàn phá không ngừng trên khắp đất nước”.

“Những gì chúng ta thấy hiện giờ là mênh mông biển nước. Điều này khác xa với mưa lũ do gió mùa thông thường, đó là sự bất ổn về khí hậu ngay trước cửa nhà chúng ta”, bà Rehman nói và nhấn mạnh, Pakistan đang trải qua một “thảm họa khí hậu nghiêm trọng, một trong những thảm họa khó khăn nhất trong thập kỷ”. “Hiện tại, chúng ta đang ở điểm số 0 do hậu quả của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt với liên tục các đợt nắng nóng, cháy rừng, lũ quét, băng tan, lũ lụt và giờ là mưa lũ tàn phá”. Nữ Bộ trưởng cho biết thêm, 1/4 hoặc 1/3 diện tích Pakistan bị ngập trong nước. “Đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu và tất nhiên, chúng ta sẽ cần lập kế hoạch tốt hơn và phát triển bền vững trên thực tế… Chúng ta sẽ cần có các loại cây trồng cũng như công trình chống chịu với biến đổi khí hậu”.

Đợt lũ lụt năm nay có thể so sánh với năm 2010 - mức độ tồi tệ nhất đã được ghi nhận tại Pakistan khi hơn 2.000 người thiệt mạng và gần 1/5 diện tích đất nước chìm trong nước. Các nhà khoa học xác định, tình trạng nóng lên toàn cầu là nguyên nhân gây ra mưa lớn và lũ lụt. Nhưng nếu so sánh với trận lụt tồi tệ nhất trước đó vào năm 2010, mức độ sẽ dữ dội hơn đáng kể. Một nghiên cứu cho thấy các đại dương ấm hơn và sự nóng lên ở Bắc cực năm 2010 dẫn đến những trận mưa kéo dài ở Pakistan và một đợt nắng nóng khắc nghiệt ở Nga vào năm đó. Tới năm 2021, hiện tượng Trái đất nóng lên làm cho mưa gió mùa Nam Á trở nên dữ dội hơn và thất thường hơn, toàn cầu cứ tăng 1 độ C thì lượng mưa tăng lên 5%.

Theo Tiến sĩ, Phó giáo sư Liz Stephens, chuyên gia về rủi ro khí hậu và khả năng chống chịu tại Đại học Reading, Vương quốc Anh, những trận lũ lụt hiện nay dự kiến xảy ra một lần trong một thế kỷ. Ông Stephens cho biết, hai yếu tố quan trọng dẫn đến số người chết cao là lũ quét và việc phá hủy các kè sông. Nước chảy xiết từ các sườn dốc tạo nên lũ quét hay nước dồn về gây vỡ đập đều xảy ra bất ngờ, khó cảnh báo trước để có thể kêu gọi người dân sơ tán. Tiến sĩ Stephens nói, phá rừng cũng có thể làm tăng tốc độ dòng chảy của nước mưa. Theo nhà khí tượng học Scott Duncan, một chu kỳ khí hậu tự nhiên do nhiệt độ và gió thay đổi ở Thái Bình Dương cũng có thể gây ra lũ lụt ở Pakistan. “Theo ý kiến của tôi, hiện tượng thời tiết La Niña đang hoạt động rất mạnh là một yếu tố quan trọng khiến mưa gió mùa tăng đột biến”, ông nói.

Người dân Pakistan đa phần nghèo đói đặc biệt chịu rủi ro do thời tiết khắc nghiệt gây ra. Chuyên gia về khí hậu và phát triển Ali Tauqeer Sheikh cho biết: “Những gì bạn thấy hôm nay chỉ là một màn giới thiệu về những gì có thể xảy ra với chúng ta như nghèo đói, suy dinh dưỡng và bệnh tật nếu chúng ta không chú ý đến biến đổi khí hậu”.

Có vẻ như tình hình ngập lụt ở Pakistan hiện nay đã tới đỉnh điểm, không còn thảm khốc hơn được nữa. Với ước tính thiệt hại ít nhất 10 tỷ USD, Chính phủ Pakistan đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế. Hôm 28-8, các chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ và UAE, mang theo lều, thực phẩm và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác viện trợ cho người dân Pakistran. Hội Chữ thập đỏ Qatar cũng đã cam kết viện trợ khẩn cấp cho nước này. Liên hợp quốc ngày 30-8 đã đưa ra lời kêu gọi quốc tế dành cho các nạn nhân lũ lụt Pakistan.