Lượng tăng, chất có giảm?

ANTĐ - Thể thao Việt Nam năm 2015 và đầu năm 2016 chứng kiến sự nở rộ của các giải thưởng tôn vinh. 

Lượng tăng, chất có giảm? ảnh 1Trường hợp VĐV Lê Quang Liêm xếp 3 vị trí khác nhau ở 3 cuộc bầu chọn 
làm nảy sinh những băn khoăn, tranh luận

Sau các giải đã trao như “VĐV thể thao tài năng” - Báo Thể thao TP.HCM tổ chức, “Quả bóng Vàng Việt Nam” - Báo SGGP, “VĐV tiêu biểu” - Báo Thể thao Việt Nam, Cúp Chiến thắng - Báo Thể thao 24h phối hợp VTVcab tổ chức, tới đây chủ nhân các giải “Fair-play 2015” - Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức, giải “Cầu thủ Việt Nam được yêu thích nhất” của Báo Công an TP.HCM, cũng sẽ được xướng tên.

Năm 2015 được đánh giá là năm thành công lớn của thể thao Việt Nam với sự xuất sắc của các môn Olympic tại SEA Games 28 (đóng góp tới 87% số HCV trong thành tích toàn đoàn) và những màn thi đấu xuất thần của những cá nhân ở sân chơi quốc tế. Các giải thưởng ra đời như thời gian qua là việc làm thiết thực, ý nghĩa nhằm kịp thời tôn vinh đóng góp của các đội tuyển, HLV, VĐV xuất sắc, cũng như tạo động lực để họ phấn đấu, tiếp tục cống hiến trong tương lai. Song, bên cạnh những ưu điểm đáng ghi nhận, sự nở rộ của các giải thưởng thể thao cũng để lại những băn khoăn cho chính người trong cuộc.

 Đầu tiên là sự tủi thân của các nữ cầu thủ futsal khi không có tên trong bất kỳ hạng mục bầu chọn nào của các giải thưởng kể trên, mặc dù những đóng góp của họ trong thời gian qua rất cần phải ghi nhận. Kế đến là chuyện một VĐV nhưng lại nhận số phiếu bầu và đạt thứ hạng rất khác nhau. Điển hình nhất là trường hợp kỳ thủ Lê Quang Liêm xuất hiện ở 3 giải thưởng: VĐV tài năng của TP.HCM, VĐV tiêu biểu toàn quốc và Cúp Chiến thắng với thứ hạng rất chênh nhau là 3, 9 và 1. Việc một VĐV hôm trước còn đứng trên bục cao nhất của giải thường này, nhưng hôm sau lại tụt sâu trong tốp 10, không được xướng tên lên nhận giải ở cuộc bầu chọn khác phần nào khiến người theo dõi “chóng mặt” và có quyền đặt câu hỏi: Vậy thì vị trí nào mới là xứng đáng, công bằng với VĐV đó trong bản danh sách những “công thần” thể thao Việt Nam trong năm qua?

Có lẽ khó có thể đưa ra câu trả lời chính xác, thuyết phục cho câu hỏi trên khi mà mỗi cuộc thi, dù tiêu chí bầu chọn VĐV gần như thống nhất nhưng đối tượng bỏ phiếu bầu lại mỗi cuộc một khác và nhất là khi Ban tổ chức một số giải thưởng muốn hướng tới người hâm mộ bằng việc cho họ quyền được nhắn tin bầu chọn. Và đương nhiên khi đó, người hâm mộ có quyền bầu chọn cho người mình yêu thích nhất, chứ chưa hẳn là VĐV xuất sắc nhất, xét trên khía cạnh chuyên môn thuần túy. Đó là chưa kể khi có quyền “trợ giúp người thân”, khó tránh chuyện VĐV kêu gọi sự ủng hộ của người hâm mộ mình qua những tin nhắn điện thoại và mỗi tin nhắn tương đương một phiếu bầu.

Kết quả những cuộc bầu chọn luôn kéo theo những tranh luận không hồi kết và xét cho cùng cũng chỉ mang tính chất tương đối. Những “hạt sạn” (nếu có) cũng sẽ giúp Ban tổ chức rút kinh nghiệm và điều chỉnh ở cuộc bầu chọn kế tiếp để làm sao phản ánh đúng giá trị của người được vinh danh lẫn giá trị của giải thưởng do mình “thai nghén”, tâm huyết. Và thực tế đã chứng minh, những giải thưởng lâu đời, có uy tín luôn giữ vị trí nhất định với người trong nghề và kết quả bầu chọn của giải thưởng đó được nhìn nhận như thước đo chuẩn mực giữa vô số những giá trị tương đối.

Vậy nên, thay vì bị cuốn vào những tranh cãi muôn thuở về kết quả các cuộc bầu chọn, hãy suy nghĩ tích cực để có cái nhìn tổng thể hơn, rằng sự xuất hiện của ngày càng nhiều các giải thưởng vinh danh đang cho thấy sự quan tâm ngày một lớn của xã hội với thể thao. Về phần mình, VĐV được vinh danh cũng chỉ nên coi đó như một ghi nhận, thay vì tự đặt mình ở thế độc tôn so với các đồng nghiệp còn lại. Có vậy, mới phát huy được giá trị của giải thưởng đã tôn vinh chính họ.