Lượng tài khoản chứng khoán tăng trở lại sau 2 tháng sụt giảm mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau 2 tháng giảm mạnh với hơn nửa triệu tài khoản sụt giảm thì lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã tăng trở lại trong tháng 12 vừa qua.

Theo số liệu từ Tổng công ty Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 12/2023, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm 39.430 tài khoản.

Lượng tài khoản chứng khoán Việt Nam trong năm 2023

Lượng tài khoản chứng khoán Việt Nam trong năm 2023

Như vậy, đây là lần đầu tiên sau 2 tháng lượng tài khoản chứng khoán sụt giảm liên tiếp trước đó do hoạt động “làm sạch” dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán của cơ quan chức năng. Theo đó, những tài khoản chứng khoán không phát sinh giao dịch sẽ bị các công ty chứng khoán thực hiện đóng lại.

Cụ thể, trong tháng 11, lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư sụt giảm hơn 193.045 tài khoản, trong tháng 10 giảm 377.973 tài khoản.

Dù vậy, tháng 12 vẫn chứng kiến hơn 116.000 tài khoản chứng khoán bị đóng lại, trong khi có gần 156.000 tài khoản được mở mới.

Tính chung cả năm 2023, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm tổng cộng 385.700 tài khoản, đạt hơn 7,23 triệu tài khoản vào cuối năm, tương đương khoảng 7,2% dân số.

Tính chung cả tài khoản của nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài thì lượng tài khoản chứng khoán của nước đã đạt trên 7,29 triệu.

Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 mới được phê duyệt, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu phấn đấu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030.

Thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20-30% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030.