Lực lượng CSTO bắt đầu rời Kazakhstan sau khi hoàn thành nhiệm vụ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Lực lượng CSTO do Nga đứng đầu sẽ bắt đầu rút quân khỏi Kazakhstan trong 2 ngày tới sau khi hoàn thành sứ mệnh chính là ổn định tình hình ở quốc gia Trung Á này.
Một trụ sở công quyền của thành phố Almaty, Kazakhstan được dọn dẹp sau khi tình hình trật tự được vãn hồi

Một trụ sở công quyền của thành phố Almaty, Kazakhstan được dọn dẹp sau khi tình hình trật tự được vãn hồi

“Nhiệm vụ chính của lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO đã hoàn thành xuất sắc. Trong 2 ngày tới, một cuộc rút quân theo từng giai đoạn sẽ bắt đầu. Quá trình này sẽ mất không quá 10 ngày”, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev phát biểu trước cuộc họp quốc hội trực tuyến ngày 11-1-2022.

Ông Tokayev, 68 tuổi, tuần trước đã yêu cầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Matxcơva lãnh đạo cử quân đến hỗ trợ ở thời điểm mà ông gọi là có một âm mưu đảo chính đang diễn ra.

Nhà chức trách Kazakhstan cho biết, trật tự đã được vãn hồi tại phần lớn quốc gia 19 triệu dân. Gần 10.000 người đã bị giam giữ vì tham gia bạo loạn. Trước đó, làn sóng bất ổn này bắt nguồn từ biểu tình ôn hòa phản đối việc tăng giá nhiên liệu.

Tổng thống Kazakhstan nói với quốc hội rằng ông sẽ bổ nhiệm công chức lâu năm Alikhan Smailov làm Thủ tướng đồng thời thực thi các sáng kiến ​​nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tăng thuế đối với lĩnh vực khai thác tài nguyên và loại bỏ các bất thường trong mua sắm nhà nước.

Hôm 5-1-2022, Tổng thống Tokayev đã sa thải ông Karim Masimov, người đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc gia (NSC) vì cáo buộc phản quốc. Phát biểu trước quốc hội, ông Tokayev cho biết, NSC đã không chỉ bỏ qua mối đe dọa hiện hữu mà còn không hành động đúng trong thời kỳ bất ổn.

“Ở một số thành phố, người đứng đầu các cơ quan của Ủy ban An ninh Quốc gia, mặc dù có đầy đủ kho vũ khí chiến đấu, nhưng lại bỏ lại các tòa nhà trống không cùng súng ống và tài liệu mật", nhà lãnh đạo Kazakhstan giải thích.

Ngoài sự tham gia của các nhóm nhằm lật đổ chính phủ, một số nhà phân tích Trung Á cho rằng, đấu đá nội bộ giữa các tầng lớp giàu có có thể đóng một vai trò quan trọng dẫn đến vụ bạo lực đẫm máu nhất trong 30 năm qua ở Kazakhstan.