Lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết: Gam màu sáng – tối đan xen

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dẫu nhiều ngành kinh tế như du lịch, thép, xây dựng đã có sự phục hồi nhưng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết vẫn còn nhiều “gam màu xám”.

Thống kê của Chứng khoán VNDirect cho biết, tính đến ngày 11/5 đã có 1.095 công ty niêm yết trên ba sàn (chiếm 94,3% vốn hóa thị trường) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023. Theo đó, tổng lợi nhuận ròng quý 1/2023 của các công ty này giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức giảm 31,9% trong quý 4/2022.

Ngành du lịch và giải trí lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận ròng dương hơn 200 tỷ đồng kể từ sau dịch Covid-19, phần lớn được đóng góp bởi việc Vietnam Airlines chỉ lỗ 103,6 tỷ đồng trong quý 1/2023 (so với khoản lỗ 2.613 tỷ đồng trong quý 1/2022).

Ngoài ra, lợi nhuận ròng của các nhà sản xuất thép niêm yết đã cải thiện đáng kể so với 2 quý lỗ ròng trước đó. Nguyên nhân đến từ giá thép phục hồi và hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết khởi sắc, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn

Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết khởi sắc, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn

Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp phát triển bất động sản vẫn đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 28,3% so với cùng kỳ trong quý 1/2023, chủ yếu nhờ đóng góp của Vinhomes (VHM) với lợi nhuận tăng 162,5% so với cùng kỳ.

Với nhóm vốn hoá lớn, tại rổ VN30, tổng lợi nhuận ròng các doanh nghiệp này giảm 11,1% so với cùng kỳ, trong đó có 14 doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ròng khả quan, dẫn đầu là Vincom Retail (VRE) tăng 171%, VHM tăng 162% và PLX (Petrolimex) tăng 155%.

Ngược lại, trong quý 1/2023, lợi nhuận ròng của Thế giới Di động (MWG) giảm mạnh 98,5% so với cùng kỳ, phản ánh tác động tiêu cực của nhu cầu tiêu dùng giảm trong bối cảnh lãi suất cao và việc một vài công ty tài chính tiêu dùng bị điều tra.

Mặc dù lợi nhuận ròng quý 1/2023 của Thép Hòa Phát (HPG) sụt giảm 95,2% so với cùng kỳ, nhưng vẫn cho tín hiệu tốt khi lợi nhuận ròng dương sau 2 quý lỗ trước đó nhờ giá thép phục hồi và hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Đáng chú ý, Novaland (NVL) ghi nhận khoản lỗ 337 tỷ đồng trong quý 1/2023 (quý 1/2022 lãi 1.079 tỷ đồng) do các yếu tố thị trường khiến doanh thu chuyển nhượng bất động sản suy yếu (giảm 70,6% so với cùng kỳ).

Ngành hóa chất kéo dài xu hướng giảm với lợi nhuận ròng quý 4/2022 và quý 1/2023 giảm lần lượt 22,5% và 71,9% so với cùng kỳ, chủ yếu là do giá phốt pho và phân bón giảm sâu.

Các công ty chứng khoán ghi nhận lợi nhuận ròng giảm tới 96,6% so với cùng kỳ, chủ yếu do thanh khoản thị trường giảm 63,1% so với cùng kỳ trong quý 1/2023.

Theo các chuyên gia chứng khoán, dù kinh tế chưa thoát khỏi khó khăn nhưng một số nhóm ngành vẫn được đánh giá triển vọng tích cực, có thể phản ánh ngay trong nửa đầu năm.

Chẳng hạn như các doanh nghiệp ngành dầu khí (nhóm thượng nguồn) có triển vọng lợi nhuận nửa đầu năm 2023 khả quan nhờ giá dầu bước vào xu hướng tăng và duy trì ở mức cao, giá các dịch vụ dầu khí như giá cho thuê giàn khoan, giá cho thuê kho chứa dầu nổi đang tăng khá tốt.

Cùng với đó, ngành lương thực (gạo) cũng sẽ hưởng lợi từ giá gạo tăng và nhiều quốc gia tăng cường nhập khẩu gạo, trong khi chi phí vật tư nông nghiệp, nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt.

Tương tự, kỳ vọng tốc độ giải ngân đầu tư công gia tăng sẽ giúp một số doanh nghiệp xây dựng hưởng lợi...