Lo ngại kinh tế có thể “nhấn chìm” ông Sarkozy

ANTĐ - Ngày 22-4, đông đảo cử tri Pháp chính thức đi bỏ phiếu bầu chọn Tổng thống nhiệm kỳ mới. Những lo ngại về vấn đề kinh tế có thể sẽ khiến cho ông Nicolas Sarkozy trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên bị loại trong cuộc đua tái tranh cử Tổng thống Pháp trong hơn 30 năm qua. 

Ông Hollande và Sarkozy sẽ tiếp tục cuộc đua trong vòng 2?

Nhiều cử tri không thích phong cách khoa trương của ông Sarkozy cũng như thất bại của ông trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp. Có 10 ứng cử viên tranh cử tại vòng 1, tuy nhiên, đương kim Tổng thống Sarkozy và đối thủ chính của ông, ứng cử viên Đảng xã hội  Francois Hollande được cho là sẽ đánh bại 8 ứng cử viên còn lại để tham gia cuộc bỏ phiếu vòng hai diễn ra vào 6-5 tới. 

Theo kết quả thăm dò, ông Hollande giành được 28% còn ông Sarkozy giành được 27% số phiếu. Theo Luật Bầu cử Pháp, nếu không có ứng viên nào giành đủ 50% số phiếu ủng hộ trong vòng đầu tiên thì 2 ứng viên có tỷ lệ ủng hộ cao nhất sẽ tiếp tục tham gia vòng hai. 

Ông Francois Hollande, 57 tuổi, cam kết cắt giảm chi tiêu quyết liệt hơn so với ông Sarkozy và muốn đánh thuế cao hơn nhằm vào tầng lớp người giàu để bổ sung nguồn vốn tạo việc làm, đặc biệt là đánh mức thuế 75% đối với những người có thu nhập trên 1 triệu euro. Các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử tại Pháp đều cho thấy lợi thế hiện đang nghiêng về phía ứng cử viên Francois Hollande. Ông đã đưa ra một chương trình tranh cử tập trung các giải pháp nhằm giúp đất nước đối phó với nền kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục.

Nếu giành chiến thắng, ông Hollande sẽ là Tổng thống cánh tả thứ hai kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Pháp, sau Tổng thống Francois Mitterrand, người đã đánh bại Tổng thống đương nhiệm Valery Giscard-d'Estaing vào năm 1981. Đi bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở thành phố miền trung Tulle cùng với vợ, nhà báo Valerie Trierweiler, ông Hollande đã kêu gọi các cử tri lưu tâm đến tỷ lệ người nghèo tăng đến mức kỷ lục hồi năm 2002 khi ứng cử viên Đảng xã hội bị loại. 

Đương kim Tổng thống Sarkozy, cũng 57 tuổi, nói rằng ông là sự lựa chọn an toàn hơn cho tương lai khi nền kinh tế có những xáo trộn. Tuy nhiên, nhiều công nhân và các cử tri trẻ tuổi bị thu hút với cam kết hồi năm 2007 của ông Sarkozy về việc trả lương cao hơn đã rời bỏ ông khi tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp đã lên đến mức cao nhất trong 12 năm qua. Nhiều người dân Pháp cũng cảm thấy chán nản với một vị Tổng thống hào nhoáng với cuộc hôn nhân gây rùm beng ngay đầu nhiệm kỳ, hay có những phát ngôn “gây sốc” và có quan hệ thân thiết với giới kinh doanh giàu có. Ông Sarkozy cùng vợ, siêu mẫu Carla Bruni đi bỏ phiếu tại Neuilly, khu vực ngoại ô phía tây Paris nhưng không đưa ra bất kỳ bình luận nào. 

Các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào lúc 18h (giờ địa phương) và 20h ở các thành phố lớn. Kết quả bầu cử sơ bộ sẽ được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông lúc 20h (rạng sáng mai giờ Hà Nội).