Lo ngại ‘can thiệp quân sự’, Niger tuyên bố đóng không phận

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 6-8, chính quyền quân sự Niger tuyên bố đóng cửa không phận cho đến khi có thông báo mới, viện dẫn mối đe dọa can thiệp quân sự sau khi các nhà lãnh đạo tham gia đảo chính từ chối thời hạn phục chức cho tổng thống bị lật đổ của nước này.
Tướng Abdourahmane Tchiani, người lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger, tham dự cuộc tuần hành do những người ủng hộ ông tổ chức ở Niamey ngày 6-8-2023

Tướng Abdourahmane Tchiani, người lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger, tham dự cuộc tuần hành do những người ủng hộ ông tổ chức ở Niamey ngày 6-8-2023

“Đối mặt mối đe dọa can thiệp ngày càng trở nên rõ ràng hơn… Niger đóng không phận từ ngày 6-8 cho đến khi có thông báo mới”, đại diện chính quyền quân sự Niger cho biết trong tuyên bố trên truyền hình quốc gia vào tối 6-8.

Ông này nói rằng, hai quốc gia ở Trung Phi đã triển khai lực lượng để chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự, song không nêu chi tiết.

Đại diện chính quyền quân sự Niger cho biết: “Quân đội Niger và tất cả lực lượng quốc phòng và an ninh, với sự hỗ trợ không ngừng của người dân, sẵn sàng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi”.

Trước đó, ngày 4-8, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) thông báo các nước thành viên đã đồng ý kế hoạch can thiệp quân sự vào Niger nếu phe đảo chính không khôi phục chính quyền dân sự.

ECOWAS chưa đưa ra phản ứng trước tuyên bố từ Niger, cũng như chưa thông báo động thái tiếp theo của khối này khi đã qua hạn chót.

Đây là cuộc đảo chính thứ 7 ở Tây Phi và Trung Phi trong vòng 3 năm qua, đã làm rung chuyển vùng Sahel, một trong những vùng nghèo nhất thế giới. Với sự giàu có về uranium và dầu mỏ cũng như vai trò then chốt trong cuộc chiến với các phiến quân Hồi giáo, Niger được cho là có tầm quan trọng rất lớn đối với Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nga.

Việc đe dọa can thiệp quân sự vào Niger của khối Tây Phi đã gây ra lo ngại về xung đột tiếp theo trong một khu vực đang chiến đấu với lực lượng phiến quân Hồi giáo - vốn đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Bất kỳ sự can thiệp quân sự nào cũng có thể trở nên phức tạp bởi lời hứa từ các chính quyền quân sự ở nước láng giềng Mali và Burkina Faso rằng sẽ bảo vệ Niger nếu cần.