Lo bị cắt điện

ANTĐ - Mỗi lần bị cắt điện, doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm triệu đồng để khởi động lại máy móc, chưa kể chi phí nhân công và tiến độ công việc. Đó là một trong những khó khăn được các doanh nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội gửi tới lãnh đạo Sở Công Thương trong hội nghị giới thiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố mới đây.

Ông Phạm Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phân lân Văn Điển lo lắng cung ứng điện cho sản xuất không đủ trong mùa khô này. “Từ năm 2010, công ty đã làm việc với phía điện lực nhưng những dự báo thiếu điện được đưa ra mỗi khi mùa khô đến vẫn khiến doanh nghiệp không yên tâm. Cần phải ưu tiên cho khối sản xuất kinh doanh, tiết giảm điện đồng đều là không phù hợp”- ông Phạm Quang Trung kiến nghị. 

Cùng chung nỗi lo này, ông Nguyễn Xuân Thanh - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần xích líp Đông Anh cho hay, doanh nghiệp này đã phải đầu tư tới 5 máy phát điện để chạy khi mất điện. Kể cả chi phí cao, doanh nghiệp bị lỗ vẫn chạy. Ông Nguyễn Xuân Thanh chia sẻ: “Cung ứng điện có khá hơn nhưng mất điện vẫn thường xuyên xảy ra. Doanh nghiệp cần được an tâm sử dụng điện vì đây cũng là quyền lợi của khách hàng. Điện mất đột xuất, tiến độ đơn hàng sẽ chậm lại hoặc sản phẩm bị hỏng”. Theo ông Nguyễn Xuân Thanh, doanh nghiệp mong muốn được sử dụng nguồn điện cao thế vì giá rẻ hơn so với điện hạ thế. Sử dụng điện cao thế, chi phí của doanh nghiệp vào khoảng tháng 1,4 tỷ tiền điện/tháng, giảm hàng trăm triệu đồng/tháng. 

Theo ông Lê Chí Liêm - Phó Tổng giám đốc Công ty Kim khí Thăng Long, tiêu thụ có dấu hiệu tăng nhưng doanh nghiệp đang thiếu vốn. Giá đầu vào ngày càng tăng cao trong khi đó doanh nghiệp phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu và nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng khiến sản phẩm chủ lực cũng gặp khó. “Bên cạnh đó, định giá chi phí bán hàng thấp, hàng hóa lưu thông yếu, chủ trương hướng vào siêu thị nhưng các thương hiệu lớn đã chiếm lĩnh. Ví dụ vành xe máy kim khí Thăng Long chỉ bán được 50% giá so với Honda”- ông Lê Chí Liêm cho biết.

Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, bà Đào Thu Vịnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở sẽ xem xét và có kiến nghị về việc cung ứng điện ổn định dựa theo đặc thù từng ngành sản xuất. Lãnh đạo Sở Công Thương cũng hứa hẹn sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố được vay vốn với lãi suất ưu đãi nhất.