Liều thuốc tăng lực

ANTĐ - Đương kim Tổng thống Barack Obama như nhận được liều thuốc tăng lực quý giá cho chiến dịch tái tranh cử khi nhận được sự hậu thuẫn hết mình của cựu Tổng thống Bill Clinton dù ông này vừa trải qua ca phẫu thuật tim.

Cựu Tổng thống Bill Clinton đang tích cực giúp đỡ đương kim Tổng thống Barack Obama

Cựu Tổng thống Bill Clinton dù đã rời Nhà trắng hơn 2 nhiệm kỳ song với tài hùng biện và thành tích kinh tế nổi bật trong những năm tháng cầm quyền vẫn là một tiếng nói có trọng lượng với cử tri Mỹ. Chính vì thế, nhiều chính trị gia đảng Dân chủ của cựu Tổng thống Clinton vẫn thường mời ông tham gia các chiến dịch vận động tranh cử nghị sĩ hay thống đốc bang trên khắp nước Mỹ.

Khi mà chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ bước sang giai đoạn mới bằng chiến thắng của ông Mitt Romney, giành quyền đề cử làm ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hoà, người ta thấy Tổng thống Obama đáp chuyên cơ từ "thủ đô chính trị" Washington tới "thủ đô kinh tế" New York ngày 4-6 để gặp gỡ người tiền nhiệm Clinton cùng nhiều nhân vật "tai to mặt lớn" khác trong đảng Dân chủ. Cuộc gặp được xem là để bàn tính cũng như hậu thuẫn cho Tổng thống Obama trong chiến dịch tái tranh cử bắt đầu vào hồi gay cấn.

Trước khi cựu Thống đốc Romney giành quyền đề cử làm ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hoà ngày 29-5 vừa qua, chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Obama diễn ra khá thuận buồm xuôi gió bởi đương kim chủ nhân Nhà trắng dẫn điểm khá xa. Tuy nhiên, khoảng cách này đang nhanh chóng bị thu hẹp cùng với những chiến thắng liên tiếp của ông Romney trong cuộc chiến giành quyền đề cử của đảng Cộng hoà.

Theo kết quả cuộc thăm dò chung của CNN/ORC International công bố ngày 4-6, ông Romney vẫn tỏ ra thua sút ông Obama khi tỷ lệ cử tri hài lòng vị cựu Thống đốc này là 48%/42% chưa hài lòng trong khi tỷ lệ này ở đương kim Tổng thống là 56%/42%. Tuy nhiên, điều đáng nói là tỷ lệ cử tri đánh giá tích cực về ông Romney đã tăng 14% kể từ tháng 2 tới nay, song tỷ lệ này ở ông Obama vẫn đứng yên.

Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế Mỹ vốn đã mong manh lại trở lên không ổn định khi chỉ số tạo việc làm mới trong tháng 5 vừa qua cũng như chỉ số lòng tin của người tiêu dùng... đều xuống khá thấp. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin buộc phải lên tiếng cảnh báo, những bất ổn tài chính tiềm ẩn nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế vĩ mô nghiêm trọng. 

Thế nên, dễ hiểu vì sao ông Romney trước và sau khi giành quyền đề cử làm ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hoà đã tập trung tấn công Tổng thống Obama vào lĩnh vực kinh tế. Trong trường hợp kinh tế Mỹ không có cải thiện đáng kể từ nay đến cuối năm, kinh tế có thể là một điểm yếu của ông Obama mà ông Romney sẽ triệt để khai thác.

Sự hậu thuẫn mạnh mẽ của người tiền nhiệm giàu thành tích kinh tế như cựu Tổng thống Clinton là điều vô cùng hữu ích với ông Obama. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cũng chỉ 2 ngày sau khi cựu Thống đốc Romney trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hoà, ông Clinton đã đăng đàn tuyên bố ông Obama sẽ dễ dàng giành chiến thắng trước ông Romney trong cuộc bầu cử vào ngày 6-11 tới.

Không chỉ có vậy, ông Clinton còn muốn khoả lấp điểm yếu của ông Obama khi nhấn mạnh với cử tri Mỹ rằng những kế hoạch của đương kim Tổng thống sẽ có lợi hơn nhiều cho nền kinh tế Mỹ và hầu hết người dân Mỹ so với kế hoạch của ông Romney.