Lật tẩy "kịch bản" đường dây lừa đảo tình - tiền lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ

ANTD.VN - Các công tố viên Mỹ ngày 22-8 đã buộc tội 80 người - chủ yếu là người Nigeria đã tham gia đường dây “lừa tình - tiền” với số tiền chiếm đoạt ít nhất 6 triệu USD của các doanh nghiệp và phụ nữ dễ bị tổn thương. “Chúng tôi tin rằng đây là một trong những vụ án lừa đảo lớn nhất trong lịch sử Mỹ”, luật sư Mỹ Nick Hanna nói.
 

Nghi phạm người Nigeria cầm đầu đường dây lừa đảo xuyên quốc gia bị bắt tại Los Angeles, Mỹ ngày 22-8-2019

Tháng 3-2016, một người đàn ông tự xưng là Đại úy Quân đội Mỹ đóng quân tại Syria đã làm quen với một phụ nữ Nhật Bản qua mạng. Trong vài tuần, người phụ nữ Nhật nảy sinh tìm cảm với người đàn ông gửi E-mail hàng ngày bằng tiếng Anh mà cô chỉ có thể hiểu nhờ công cụ dịch của Google. Người đàn ông tự xưng là Terry Garcia đã moi được rất nhiều tiền của người phụ nữ có tên viết tắt là F.K trong các tài liệu của tòa án liên bang Mỹ. Hơn 10 tháng, cô này gửi cho Garcia tổng cộng 200.000 USD mà cô đã mượn từ bạn bè, chồng cũ và những người thân khác để bồi đắp cho tình yêu mới.

Nhưng trong thực tế, Garcia không tồn tại. Tất cả chỉ là “màn kịch” của một vụ lừa đảo trực tuyến xuyên quốc gia do 2 hai người đàn ông Nigeria sống ở Los Angeles điều hành với sự giúp đỡ của các cộng sự ở nhiều nước. Cho đến nay, 17 người đã bị bắt ở Mỹ, và các nhà điều tra liên bang đang nỗ lực truy tìm những đối tượng còn lại ở Nigeria cũng như các quốc gia khác.

“Kịch bản” buôn bán kim cương

Theo các nhà chức trách liên bang Mỹ, cuộc tình lãng mạn trực tuyến giữa F.K và Garcia diễn ra trên một địa chỉ E-mail của Yahoo mà tuyệt nhiên không có cuộc gọi điện thoại nào. Garcia nói với F.K rằng anh ta không được phép sử dụng điện thoại ở Syria.

Người này bắt đầu đề cập đến chuyện tiền sau khi viên Đại úy nói với F.K rằng anh ta đã tìm thấy một túi kim cương ở Syria và cần cô giúp đỡ để đưa nó ra khỏi quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Garcia cho biết, anh ta bị thương và không thể tự làm điều đó nên giới thiệu cô với các cộng sự sẽ giúp cho quá trình chuyển nhượng. Lúc này, người phụ nữ Nhật Bản rơi vào tròng của những kẻ lừa đảo.

“Trò lừa đảo bằng cách mồi chài yêu đương khiến người Mỹ chịu mất tiền nhiều hơn bất kỳ hành vi gian lận nào khác trong năm 2018. Hơn 21.000 người trình báo là nạn nhân của các vụ lừa đảo như vậy trong năm 2018, với số tiền bị mất lên tới 143 triệu USD”. 

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ

Một người nói rằng anh ta là nhà ngoại giao của Hội Chữ thập đỏ, có thể chuyển những viên kim cương cho F.K. Ngay sau đó, một người tự xưng làm việc cho một công ty vận chuyển đã yêu cầu F.K trả tiền để đảm bảo kiện hàng không bị kiểm tra tại hải quan. Mỗi lần những kẻ lừa đảo lại nghĩ ra một lý do về việc lô hàng đang bị kẹt ở hải quan nên “vòi” F.K trả thêm tiền.

“FK ước tính rằng cô ấy đã thực hiện 35-40 khoản thanh toán trong vòng 10 tháng kể từ khi quen biết Garcia. Trong thời gian đó, kẻ lừa đảo đã gửi E-mail cho “người yêu ngoại quốc” của mình từ 10 đến 15 lần mỗi ngày và luôn hối thúc  Garcia thanh toán. Yêu một cách mù quáng, nạn nhân liên tục chuyển tiền cho các tài khoản ở Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ”, cáo trạng hình sự liên bang Mỹ viết. Tiêu tốn quá nhiều tiền khiến F.K tức giận và chán nản, cho đến khi trình báo nhà chức trách. 

Truy tìm tội phạm xuyên biên giới

 “Trong một số trường hợp, các nạn nhân nghĩ rằng họ đang liên lạc với các quân nhân Mỹ đóng quân ở nước ngoài, trong khi thực tế, họ đang gửi E-mail cho những kẻ lừa đảo. Một số nạn nhân trong trường hợp này đã mất hàng trăm nghìn USD theo cách này”, luật sư Hana nói. 

Đường dây lừa đảo này không chỉ giới hạn ở màn lừa tình, lừa tiền ngoạn mục mà còn tấn công cả những công ty kinh doanh, trong đó bọn chúng “hack” hệ thống thư điện tử giả mạo công ty ký quỹ, nhân viên công ty và bên thanh toán trực tiếp để chiếm đoạt tiền. Trong số 80 người bị buộc tội, chính quyền liên bang đã bắt giữ 14 người chủ yếu ở Los Angeles. Các nghi phạm còn lại sống ở các quốc gia khác, chủ yếu ở Nigeria và các nhà điều tra cho biết sẽ làm việc với các Chính phủ để yêu cầu dẫn độ.

Quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã xác định được 2 nghi phạm chính, đóng vai trò giám sát việc chuyển ít nhất 6 triệu USD tiền gian lận trong khi đang “giăng bẫy lừa” thêm 40 triệu USD nữa. Một khi đồng bọn thuyết phục được nạn nhân gửi tiền, 2 “ông trùm” người Nigeria sống ở Nam California sẽ phối hợp nhận tiền bằng tài khoản ngân hàng hay dịch vụ nhận tiền. Hai tên đầu sỏ này đã bị bắt ngày 22-8.