Lần theo cung đường đi của "cơn bão" ma túy "đá" đang bủa vây khắp châu Á

ANTD.VN - Từ vùng rừng rậm Myanmar đến các đường phố của Hồng Kông (Trung Quốc), cảnh sát trên khắp châu Á đang đấu tranh chống lại nạn ma túy “đá” methamphetamine lan tràn với tốc độ chưa từng có. Các chuyên gia cho rằng sự bùng nổ này là do vấn đề địa chính trị cũng như do chuyển đổi lợi ích của các băng nhóm ma túy trong khu vực.

Hình ảnh do  Bộ Quốc phòng Myanmar cung cấp cho thấy một cơ sở điều chế ma túy tại bang Shan, miền Bắc nước này bị phát hiện tháng 2-2018

Methamphetamine đã trở thành một loại ma túy chủ đạo trên toàn khu vực châu Á, không phân biệt đẳng cấp, tuổi tác hay giới tính. Với kinh nghiệm 16 năm về lĩnh vực này, chuyên gia Jeremy Douglas, người phụ trách các hoạt động của Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) ở Đông Nam Á cho biết, chưa bao giờ ông thấy nhu cầu tăng cao như hiện nay.

Phần lớn “vựa” sản xuất ma túy đá châu Á nằm trong khu Tam giác vàng, khu vực nằm dọc sông Mekong, biên giới giữa Lào, Thái Lan và Myanmar. Với đặc thù về địa hình, đây là nơi dễ dàng sản xuất và tập kết ma túy trong khi khó bị nhà chức trách kiểm soát. Gần đây, giới buôn lậu lại lợi dụng dòng người và hàng giao thương để vận chuyển ma túy trên những đường cao tốc xuyên biên giới mới được xây dựng trị giá hàng nghìn tỷ đô la Mỹ và lợi nhuận “khủng” từ buôn bán ma túy được rửa thông qua các kênh buôn bán phức tạp. “Sản xuất methamphetamine đang biến thành một “cơn bão” đẩy Đông Nam Á vào cái gọi là đại dịch ma túy “đá”, John Coyne, cựu Giám đốc Tình báo chiến lược của Cảnh sát Liên bang Australia, hiện đang làm việc về các vấn đề an ninh biên giới tại Viện Chính sách Chiến lược Australia cho biết.

Sản xuất: Dễ điều chế và ngụy trang

Phần lớn ma túy đá bị tịch thu trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nguồn gốc từ bang Shan, phía Bắc Myanmar, nơi các nhóm dân quân và lãnh chúa kiểm soát. Nổi bật nhất trong số này phải kể đến Lực lượng bang Wa thống nhất (UWSA), nhiều năm nay đấu tranh để giành quyền tự chủ cho tộc người Wa, vốn có chung ngôn ngữ cũng như quan hệ văn hóa và lịch sử với láng giềng của họ ở tỉnh Vân Nam, phía Nam Trung Quốc. Các nhà chức trách phương Tây từ lâu đã cáo buộc nhóm vũ trang này duy trì được cuộc đấu tranh chống lại chính quyền Trung ương Myanmar là nhờ lợi nhuận từ sản xuất ma túy.

“Sản xuất Methamphetamine đang biến thành một “cơn bão” đẩy Đông Nam Á vào cái gọi là đại dịch ma túy “đá”, John Coyne, cựu Giám đốc Tình báo chiến lược của Cảnh sát Liên bang Australia, hiện đang làm việc về các vấn đề an ninh biên giới tại Viện Chính sách Chiến lược Australia cho biết.

Nhiều bằng chứng cho thấy, gần đây, việc sản xuất heroin tại khu vực này đã thuyên giảm, thay vào đó là  methamphetamine. Các chuyên gia cho rằng, UWSA - với khoảng 30.000 thành viên, tham gia vào “sân chơi meth”, một phần là phản ứng đối với thị trường, quan trọng hơn là vấn đề lợi nhuận và dễ sản xuất. Lý do là bởi, methamphetamine là một loại ma túy tổng hợp, được điều chế từ hóa chất và không cần phải có nguyên liệu cây trồng như heroin là dạng tinh chế từ hoa anh túc. Những cơ sở điều chế này dễ dàng ngụy trang và di chuyển một cách linh hoạt.

Phân phối: Đi xa hơn nhờ các dự án cơ sở hạ tầng hiện đại

Về vấn đề vận chuyển, Tam giác vàng là một trong những nơi khó khăn nhất và kém phát triển nhất hành tinh, nhưng nó đang thay đổi nhờ vào sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc với những dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhằm giúp kết nối các nền kinh tế đang phát triển toàn cầu. Bắc Kinh đã chi hàng tỷ đô la Mỹ để kết nối tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với các thành phố cảng ở Nam và Đông Nam Á. Theo chuyên gia John Coyne, một ảnh hưởng không mong muốn của những cải tiến cơ sở hạ tầng này là tạo điều kiện cho giới buôn lậu ma túy dễ dàng vận chuyển “hàng” từ sâu bên trong bang Shan đến phần còn lại của khu vực Đông Nam Á.

Vì thế, không bất ngờ khi ma túy đá từ bang Shan của Myanmar ở cả dạng tinh thể và dạng viên đã được phát hiện ở những nơi rất xa như Nhật Bản, New Zealand và Australia. Tháng 12 năm ngoái, Cảnh sát Tây Australia đã thu giữ một lượng ma túy đá kỷ lục trị giá 800 triệu USD, được cho là có nguồn gốc từ bang Shan. Năm nay, các nước Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Malaysia và Indonesia cũng đã bắt giữ hàng chục vụ ma túy lớn. Ngạc nhiên hơn cả, lượng ma túy thu giữ được trong 5 tháng của năm 2018 ở Malaysia và Myanmar đã vượt qua tổng số của năm 2017. Lượng ma túy bị thu giữ lớn cũng chỉ ra một điều, giới buôn lậu ma túy có thể hy sinh một số lượng “hàng” nhất định nhưng vẫn đủ khả năng tạo ra lợi nhuận.

Cảnh sát trưởng Quốc gia Thái Lan Chaktip Chaijinda (thứ hai từ phải sang) cùng các chuyên gia kiểm nghiệm số ma túy đá gồm 10 triệu viên yaba được sản xuất ở Myanmar bị thu giữ ở Thủ đô Bangkok ngày 11-5-2018

Hệ thống rửa tiền: Lắt léo và tinh vi

Các đường dây buôn bán ma túy thường phải sử dụng các mạng lưới tài chính phức tạp để che giấu những khoản lợi nhuận bất hợp pháp. Điển hình là Zhao Wei, một doanh nhân bị Chính phủ Mỹ cáo buộc sử dụng sòng bạc của ông ta ở Lào để giúp UWSA rửa tiền bán ma túy đá. Sòng bạc được sử dụng để rửa tiền vì chúng liên quan đến rất nhiều giao dịch tiền mặt khó lưu dấu vết nhưng hơn thế, người này còn tạo ra một tập đoàn tội phạm có liên quan. 

Theo báo cáo, Zhao Wei đã thương thảo với Chính phủ Lào về việc thuê 99 năm quyền điều hành khu vực kinh tế đặc biệt Tam giác vàng và trung tâm của nó là sòng bạc Kings Romans. Đặc khu này được thiết kế để giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhưng hồi đầu tháng 1-2018, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với doanh nhân Zhao Wei cùng sòng bạc của ông này với cáo buộc người này đã lợi dụng quy định lỏng lẻo để tạo điều kiện “lưu trữ và phân phối heroin, methamphetamine và các chất ma túy khác cho các tổ chức bất hợp pháp, trong đó có Quân đội bang Wa thống nhất, hoạt động ở nước láng giềng Myanmar”.

Doanh nhân Zhao Wei luôn cho rằng các cáo buộc đó là “vô căn cứ”. “Việc đầu tư và phát triển của Tập đoàn Kings Romans tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và các thỏa thuận đã ký kết. Không có lý do và động cơ nào để chúng tôi hoạt động bất hợp pháp. Ngược lại, chúng tôi đã hợp tác với Chính phủ Lào để ngăn chặn và chống lại các hành vi bất hợp pháp”, ông này khẳng định hồi tháng 2-2018.

Theo cáo buộc của Bộ Tài chính Mỹ, mắt xích quan trọng trong hoạt động của “ông trùm” Zhao Wei là Công ty TNHH Quốc tế Kings Romans, có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc). Đặc khu hành chính này có tiếng là trung tâm chuyển “tiền bẩn”, như chính lời quan chức Hồng Kông công khai thừa nhận. “Lợi thế cạnh tranh của Hồng Kông, cụ thể là dòng vốn tự do, con người, hàng hóa và thông tin; hệ thống luật pháp được thiết lập tốt; cơ sở hạ tầng cho thị trường hiện đại, dịch vụ chuyên nghiệp tiên tiến…  cũng khiến thị trường của chúng tôi trở nên hấp dẫn đối với những tên tội phạm tìm cách che giấu, chuyển tiền hoặc trốn tránh xử phạt tài chính”, ông Arthur Yuen, Phó giám đốc điều hành của Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) phát biểu tại một hội nghị của Hiệp hội các chuyên gia chống rửa tiền tổ chức hồi tháng 4-2018.

Dù Bộ Tài chính Mỹ không nói rõ “đường đi nước bước” của Công ty TNHH quốc tế Kings Romans cùng doanh nhân Zhao Wei nhưng theo khảo sát của phóng viên CNN, doanh nghiệp đăng ký trụ sở tại tầng 36 của tòa tháp văn phòng Wu Chung thuộc quận Wan Chai sầm uất. Hồ sơ bất động sản xác nhận rằng, công ty Shuen Wai Holding Limited là chủ sở hữu cũng là đơn vị sử dụng không gian văn phòng của tòa nhà này.

Đáng chú ý là Shuen Wai cùng một trong hai giám đốc công ty này cũng đã bị Bộ Tài chính Mỹ xử phạt năm 2008 vì được cho đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới tài chính được UWSA sử dụng để rửa tiền bán ma túy. “Nếu công ty đó là một mặt trận buôn bán ma túy trong suốt 10 năm qua thì sự việc khá nghiêm trọng và chính quyền nên điều tra xem tại sao nó có thể tồn tại lâu đến vậy”, chuyên gia Liên hợp quốc Jeremy Douglas nhận định.