Lần đầu tiên, người dân được mua vàng trang sức đúng tuổi!

ANTĐ - Có một câu chuyện cười. Tuần vừa rồi, có hai vợ chồng rủ nhau ra hàng vàng bán một chiếc nhẫn vàng 4 số 9. Ngoài chợ hàng vàng san sát, hai vợ chồng vào hiệu vàng lớn nhất bán nhẫn. Chủ hiệu săm soi chiếc nhẫn, sau đó cân đo cẩn thận. Ngước cặp kính dày cộp lên, ông ta lạnh lùng: Vàng 9,6 thiếu 2 lai đầy một chỉ. Anh chồng dãy nảy: Anh xem giúp, phía trong nhẫn còn khắc 4 số 9 mà... Bây giờ ông chủ hiệu mới cười: Vàng trang sức nó thế đấy anh ạ. Nếu anh muốn 4 số 9 thì mang đến chỗ anh mua. Tuổi thật của nó chỉ vậy thôi. Sợ bị lừa, anh mang qua ba hàng vàng khác, kết quả giống nhau: mua 4 số 9 nhưng nhẫn chỉ có 1 số 9.

Minh họa Internet

Từ trước tới nay, chưa bao giờ quản lý chất lượng vàng trang sức

Kể từ ngày 1-6-2014, Thông tư 22/2013 của Bộ KH-CN về quản lý chất lượng vàng trang sức có hiệu lực. Hàng loạt các quy định nhằm đảm bảo cho người tiêu dùng được mua vàng có tỷ lệ vàng trung thực cũng như những chế tài nghiêm khắc đã được ban hành. Và lần đầu tiên chúng ta có một quy định chặt chẽ về chất lượng vàng trang sức, một món hàng phổ biến với tất cả người dân. Nhưng trước hết, chúng ta hãy xem lại thực trạng thị trường vàng trang sức trước khi các cơ quan chức năng thật sự kiểm soát nó. 

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có hơn 12.000 đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh nữ trang, trong đó nhiều đơn vị làm gia công nhỏ tại nhà, không đăng ký kinh doanh. Riêng TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 3000 đơn vị với gần 10 ngàn thợ thủ công làm nghề chế tác vàng trang sức. Hiện tại, mỗi năm Việt Nam phải nhập lượng vàng và vàng trang sức trị giá tới 3,5 tỷ USD. Thực tế thời gian qua cho thấy, tuổi vàng là do các chủ tiệm tự quyết định và không ai có thể kiểm soát. Ví dụ như, vàng 18 tuổi - tỷ lệ vàng ròng chính xác phải là 75%, nhưng trên thực tế các tiệm vàng, các doanh nghiệp kinh doanh chỉ áp dụng tỷ lệ vàng ở mức phổ biến 65 - 68%, một số nơi tỷ lệ vàng chỉ còn 54 - 60%. Do đó, người mua vàng trang sức và người bán lâu nay thường “thống nhất” với nhau việc mua đâu phải bán đó và sản phẩm khi bán bị hạ giá rất nhiều, chỉ còn khoảng 40 - 50% giá trị lúc mua. Khái niệm tuổi vàng đã xuất hiện từ lâu, nhất là trong giới kinh doanh vàng trang sức. Bản chất tuổi vàng thể hiện hàm lượng vàng có trong sản phẩm mà người tiêu dùng mua. Nhiều cửa hàng cố tình mập mờ tuổi vàng giữa các sản phẩm nhằm kiếm lợi. Một số khác lại bán vàng kém tuổi để hưởng chênh lệch từ tuổi vàng.

Trên thị trường, tuổi vàng bao gồm các dạng sau: Vàng 10 tuổi có hàm lượng vàng 99,99%; vàng 7,5 tuổi có hàm lượng vàng là 75% (25% còn lại là hội -hợp kim khác), hay còn gọi là vàng 18K; vàng 6,8 tuổi có hàm lượng vàng chiếm 68% (32% là hội), còn được gọi là vàng 16K; vàng 5,85 tuổi có lượng vàng chiếm 58,5% (41,5% là hội), còn gọi là vàng 14K; vàng 4,1 tuổi có hàm lượng vàng là 41% (59% là hội), thường được gọi là vàng 10K. Sản phẩm này thường được làm nhẫn nam với tên gọi là nhẫn Mỹ. Hầu hết những người mua vàng đều không  phát hiện và nhận biết được tuổi vàng, nhất là bằng mắt thường, bởi với công nghệ xi mạ hiện nay, vàng kém tuổi hay vàng đủ tuổi nhìn màu sắc sẽ gần giống nhau. Hơn nữa, phần hội nếu được pha trộn thêm đồng sẽ tạo màu gần giống với vàng.

Chính vì vậy, riêng với vàng trang sức, có một kiểu mua bán rất lạ lùng. Mua ở đâu bán ở đấy. Vì chỉ có đơn vị bán ra mới công nhận tỷ lệ vàng được đóng dấu trên sản phẩm. Nếu bán ở nơi khác, đơn vị khác không bao giờ công nhận con số giả mạo nói trên. Hai vợ chồng anh bạn tôi là một ví dụ. Đây cũng là nguyên nhân lý giải cho việc một số cửa hàng ít khi mua vàng của nhau, hoặc nếu có mua thì sẽ hạ thấp tuổi của sản phẩm chứ không mua theo tuổi vàng thực tế. 

Đương nhiên, cứ nhìn mình thì ra người ta, giữa các cửa hàng thường “kiêng” mua lại sản phẩm của nhau. Mặt khác, tâm lý khách hàng khi bán vàng thường đều cần tiền gấp nên họ chấp nhận bán rẻ đi một chút, tránh phải đi đi lại lại mất thời gian. Về phía đơn vị mua, họ càng gây khó khăn cho khách hàng thì càng ép được giá. Họ ép bằng nhiều cách như yêu cầu nung chảy sản phẩm để đo tuổi vàng, kéo dài thời gian nhập lại để khách hàng chấp nhận một số điều kiện mà họ đưa ra như trừ trọng lượng, hạ tuổi vàng...

Và ở mọi trường hợp, chỉ có người có nhu cầu mua vàng trang sức hoặc bán vàng trang sức là chịu thiệt mà thôi.

Với chính sách mới, người tiêu dùng sẽ được lợi

Kể từ 1-6-2014, những quy định trong Thông tư 22/2013 của Bộ KH-CN nếu được thực thi nghiêm trên thực tế sẽ là một cơ sở pháp lý để tăng cường bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, cũng như góp phần đưa thị trường vàng nữ trang từng bước vào khuôn khổ, hạn chế tình trạng nhập nhèm chất lượng thời gian qua. Theo đó, hàm lượng vàng trong trang sức, mỹ nghệ vàng 24k không nhỏ hơn 99,9%, 20k không nhỏ hơn 83,3%, 18k không nhỏ hơn 75%... Giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trong sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ như sau: vàng có hàm lượng từ 99,9% trở lên là 0,1%, vàng hợp kim có hàm lượng từ 80% đến dưới 90% là 0,2%, vàng hợp kim có hàm lượng dưới 80% là 0,3%; vật liệu hàn bằng hợp kim vàng nếu có sử dụng phải có độ tinh khiết tối thiểu tương đương với hạng được công bố của sản phẩm vàng trang sức... Không những vậy, vàng trang sức, mỹ nghệ phải phù hợp và đúng với tiêu chuẩn về chất lượng và đo lường. Sản phẩm phải có đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên từng sản phẩm mới được lưu thông trên thị trường.

Những vi phạm về chất lượng vàng trang sức sẽ bị xử lý nghiêm. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ vi phạm các quy định tại Thông tư này bị xử lý vi phạm về chất lượng và đo lường theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm hành chính sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy nếu sai so với cam kết, người bán sản phẩm có thể bị phạt tới 15 lần giá trị sản phẩm. Một mức phạt, không nhà kinh doanh nào muốn phải chịu.

Và những hệ lụy của chính sách mới tới thị trường

Chỉ vài ngày trước khi Thông tư 22/2013 có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng nhỏ lẻ và kể cả Hội Mỹ nghệ kim hoàn TPHCM cũng có văn bản kiến nghị dời thời gian thi hành thông tư 22/2013 để các tiệm vàng tiêu thụ hết các sản phẩm còn tồn đọng. Theo lý lẽ của những người trong cuộc, lượng vàng trang sức tồn kho hiện rất lớn và không đủ điều kiện để lưu hành theo chuẩn của Thông tư 22/2013. Theo các doanh nghiệp này khai, hiện có tới hàng triệu sản phẩm trang sức có tuổi vàng thực thấp hơn công bố, phải điều chỉnh. Việc điều chỉnh này được cho là sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, bởi muốn tiếp tục bán chỉ còn cách đem “nấu” lại hoặc đóng lại ký hiệu tuổi vàng để đảm bảo đúng theo quy định mới. Nhưng việc điều chỉnh này không đơn giản. Do đó, có doanh nghiệp còn đề nghị gia hạn thời điểm thực hiện thông tư thêm... 1 năm. Thêm nữa, theo quy định mới, tỷ lệ sai số chỉ còn từ 1-3% là mức mà thợ thủ công tại các cơ sở nhỏ lẻ không thể thực hiện đươc. Thêm nữa, cả nước mới chỉ có hai doanh nghiệp lớn trong nước có đủ thiết bị kiểm định đến 0,1%. Giá mỗi thiết bị đo ấy lên đến vài tỷ đồng, sức của các đơn vị nhỏ lẻ không kham nổi. Như vậy áp dụng Thông tư 22/2013 hàng chục ngàn đơn vị sản xuất kinh doanh vàng trang sức sẽ ròi bỏ thị trường và hàng chục ngàn thợ thủ công sẽ mất việc...

Nhưng các cơ quan chức năng và những doanh nghiệp kinh doanh nghiêm chỉnh không nghĩ vậy. Hiện hầu hết các doanh nghiệp lớn đã điều chỉnh lại tuổi vàng ghi trên sản phẩm cũ và sản xuất sản phẩm mới theo đúng quy chuẩn của Thông tư 22. Đây cũng là cách để họ khẳng định uy tín của mình. Nhiều cửa hàng bày bán các trang sức mặc dù đóng dấu 18K nhưng trong hóa đơn lại ghi 16K...

Chưa bàn về giá, môi trường kinh doanh vàng trang sức trong sạch và minh bạch hơn.