Làm sao để sàn thương mại điện tử thu thuế hộ, cá nhân kinh doanh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN -  Việc quy định tất cả sàn thương mại điện tử (TMĐT) thực hiện nghĩa vụ thuế của hộ, cá nhân kinh doanh theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần xem xét lại.
Sàn TMĐT băn khoăn về việc thực hiện một số nghĩa vụ thuế thay người bán hàng

Sàn TMĐT băn khoăn về việc thực hiện một số nghĩa vụ thuế thay người bán hàng

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Góp ý cho dự thảo này, VCCI nêu lên nhiều điểm bất cập lớn.

Không phải sàn TMĐT nào cũng có thông tin doanh thu người bán

Cụ thể, về phạm vi sàn TMĐT thực hiện nghĩa vụ liên quan đến thuế của hộ, cá nhân kinh doanh, Điều 1.2 dự thảo (sửa đổi Điều 8.1.đ Thông tư 40/2021/TT-BTC) quy định tất cả các sàn TMĐT đều có trách nhiệm liên quan đến nghĩa vụ thuế của cá nhân (bao gồm cung cấp thông tin doanh thu hoặc kê khai, nộp thuế thay). Tuy nhiên, quy định như vậy cần được xem xét lại do thiếu tính khả thi với một nhóm các sàn TMĐT.

Theo VCCI, sàn TMĐT có thể được phân chia làm hai nhóm: sàn không có chức năng đặt hàng trực tuyến và sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Điểm khác biệt giữa hai loại sàn này là chức năng đặt hàng trực tuyến (và thường đi cùng với chức năng thanh toán, xử lý đơn hàng, vận chuyển giao hàng, hậu kiểm sau giao hàng), dẫn đến sự khác nhau trong lượng thông tin mà các sàn TMĐT nắm giữ.

Cụ thể, các sàn TMĐT không có chức năng đặt hàng trực tuyến chỉ đơn giản có chức năng trưng bày sản phẩm hàng hóa (hay chức năng rao vặt), còn việc trao đổi, chốt đơn hàng và giao nhận, thanh toán đều do người bán và người mua chủ động liên lạc, trao đổi với nhau và sử dụng các phương tiện, dịch vụ của bên thứ ba. Vì vậy, các sàn TMĐT không có chức năng đặt hàng trực tuyến sẽ không có thông tin về doanh thu của người bán (không có thông tin về số đơn hàng được đặt, mức giá mặt hàng, doanh thu của từng đơn hàng…

Trong khi đó, các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến sẽ có khả năng biết được doanh thu của cá nhân kinh doanh, do đó có khả năng thực hiện các nghĩa vụ liên quan tại Dự thảo.

Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng chỉ áp dụng với các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Sàn TMĐT chỉ cung cấp thông tin có sẵn

Điều 1.5 dự thảo (bổ sung Điều 19a vào Thông tư 40/2021/TT-BTC) quy định sàn TMĐT cần cung cấp các thông tin của cá nhân kinh doanh cho cơ quan thuế. Các thông tin sàn TMĐT cần cung cấp gồm: họ tên người bán; số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước hoặc hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; số điện thoại liên lạc; doanh thu; tài khoản ngân hàng.

VCCI khẳng định quy định trên chưa phù hợp, bởi lẽ một số thông tin trên không phải là thông tin bắt buộc mà sàn phải thu thập (theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP), chẳng hạn, thông tin về số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước hoặc hộ chiếu. Một ví dụ khác là thông tin về tài khoản ngân hàng của người bán, đặc biệt với các sàn TMĐT giao đồ ăn (Grab, ShopeeFood, Beamin…) – vốn thực hiện thanh toán và chi trả chủ yếu qua tiền mặt từ đội ngũ shipper.

“Việc yêu cầu các sàn tiến hành thu thập thêm các thông tin này sẽ gây tốn kém rất lớn cho các sàn bởi phát sinh chi phí kêu gọi người bán cung cấp thông tin, trong khi kết quả đạt được thực tế có thể rất thấp. Một tình huống đã xảy ra trong thực tế là tỷ lệ thực hiện được rất thấp với quy định yêu cầu bắt buộc chuyển đổi từ thẻ chip sang thẻ từ do người dân không chủ động thực hiện dù các ngân hàng đã thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích”- VCCI nêu quan điểm.

Do đó, VCCI cho rằng, sàn TMĐT chỉ cung cấp những thông tin người bán mà các sàn đã có sẵn cho cơ quan thuế.

Về quy định sàn TMĐT cần cung cấp thông tin về tổng doanh thu bán hàng của người bán qua sàn, VCCI cho rằng quy định này chưa rõ ràng vì không rõ tổng doanh thu được tính như thế nào.

Thực tế, các sàn hiện nay chỉ ghi nhận số lượng đơn hàng, giá trị đơn hàng. Giá trị đơn hàng lại bao gồm nhiều nội dung như giá trị hàng hóa (giá bán), tiền phí vận chuyển (trả cho đơn vị vận chuyển, tính riêng so với giá trị đơn hàng), phí giao dịch qua sàn (trả cho sàn TMĐT), các khoản giảm giá, khuyến mại (giảm giá của người bán; giảm giá của sàn)… Ngoài ra chưa kể các trường hợp hủy đơn, hoàn đơn… Do vậy, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định hướng dẫn về cách tính tổng doanh thu bán hàng của người bán qua sàn TMĐT.

Ngoài ra, quy định về cung cấp thông tin định kỳ theo quý hoặc theo yêu cầu của cơ quan thuế có nguy cơ tạo gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp. Hơn nữa, dự thảo cũng chưa nêu rõ cơ quan tiếp nhận thông tin là Tổng cục Thuế hay sẽ là các Cục thuế, Chi cục Thuế địa phương.

Đáng chú ý, về phương pháp tính thuế, VCCI cho biết, hiện có nhiều hộ, cá nhân vừa kinh doanh tại chỗ (offline) vừa kinh doanh online trên nền tảng TMĐT. Các hộ, cá nhân kinh doanh này đã phải nộp thuế theo phương pháp khoán, thế nên quy định này có thể khiến hộ kinh doanh bị đánh thuế 2 lần.

Thông tư 40/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1-6-2021. Tuy nhiên, ngay từ khi ban hành, Thông tư này đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía các doanh nghiệp vì những quy định không khả thi, bất hợp lý và nhiều doanh nghiệp phản ánh Thông tư không được lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.

Về bảo mật thông tin được cung cấp: Hiện nay, dữ liệu được coi là một trong số tài sản quý giá nhất với doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên nền tảng kinh tế số như các sàn TMĐT. Việc bảo mật các thông tin, dữ liệu được doanh nghiệp rất quan trọng. Việc lộ, lọt thông tin sẽ gây tổn thất lớn với các sàn, đặc biệt nếu trường hợp các đối thủ khác có thể nắm được các dữ liệu này. Do đó, cơ quan thuế cần có các biện pháp nâng cấp bảo mật của hệ thống thông tin để đảm bảo sự an toàn trước các cuộc tấn công mạng. Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung quy định về cơ chế xác định lỗi khi phát hiện trường hợp lộ, lọt dữ liệu.