Làm sao để huy động vốn tư nhân “rót” vào cảng hàng không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thị trường hàng không Việt Nam có tốc độ phát triển đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu Đông Nam Á. Việc tăng trưởng vận tải hàng không với tốc độ cao thời gian qua đã và đang tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng hàng không.

Cần đến hơn 400.000 tỷ cho hạ tầng hàng không

Tại tọa đàm “Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không và những bài học kinh nghiệm" do Bộ GTVT tổ chức vào chiều 4/11, các đơn vị và địa phương đều cho rằng, huy động vốn PPP đầu tư hạ tầng hàng không là cần thiết trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn. Nhưng, vốn “rót” vào các cảng hàng không, sân bay rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài hàng chục năm nên nhiều nhà đầu tư dù rất muốn nhưng cũng còn lo ngại.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, thị trường hàng không Việt Nam có tốc độ phát triển đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu Đông Nam Á. Việc tăng trưởng vận tải hàng không với tốc độ cao thời gian qua đã và đang tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng hàng không.

Tuy nhiên, hiện nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp Nhà nước và ngân sách Nhà nước Trung ương cho lĩnh vực giao thông, cho phát triển kết cấu hạ tầng hàng không có hạn. Chính phủ chỉ tập trung vào công trình quan trọng như đường cất hạ cánh.

Sân bay quốc tế Nội Bài là một trong số ít sân bay có lãi hiện nay

Sân bay quốc tế Nội Bài là một trong số ít sân bay có lãi hiện nay

Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) thông tin cụ thể, nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không giai đoạn 2021-2030 mới chỉ tính cho 28 cảng hàng không được quy hoạch là khoảng 403.106 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cân đối được khoảng 265.150 tỷ đồng; Bộ GTVT cân đối được 9.841 tỷ đồng. Theo đó, cần huy động thêm khoảng 128.115 tỷ đồng.

Theo ông Dũng, theo Luật Hàng không từ năm 2006 đã khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức cá nhân tham gia đầu tư cảng hàng không.

Từ năm 2006 - 2010 tốc độ tăng trưởng ngành hàng không chưa cao, hạ tầng chỉ chủ yếu do Nhà nước đầu tư. Hiện nay, với tốc độ tăng trưởng rất lớn đòi hỏi đầu tư kết cấu hạ tầng lớn. Khi Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước không đảm đương được thì phải huy động.

Phối cảnh Cảng hàng không Quảng Trị

Phối cảnh Cảng hàng không Quảng Trị

Các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào ngành hàng không đều có hiệu quả tốt. Tuy nhiên, với kết cấu hạ tầng thì khó khăn hơn do đòi hỏi nguồn vốn lớn, thu hồi vốn chậm, do vậy các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu cần sự hỗ trợ của địa phương.

Vốn đầu tư lớn, trong khi đó nguồn lực từ doanh nghiệp Nhà nước như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), ngân sách Nhà nước còn hạn chế, dẫn tới bị quá tải tại một số CHK lớn như: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất.

Dù vậy, ông Dũng cũng thừa nhận, hiện nay ACV quản lý phần lớn CHK, về lâu dài sẽ dẫn tới áp lực lên nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, hạn chế khả năng huy động nguồn vốn xã hội, chưa phát huy được tính chủ động, nguồn lực của các địa phương và khả năng quản trị của nhà đầu tư.

Đối với các CHK mới, phương án tài chính khi đầu tư theo phương thức PPP thường khó hấp dẫn nhà đầu tư do thời gian hoàn vốn kéo dài (trung bình từ 40-50 năm), cần sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước.

"Rót" vốn vào sân bay là lâu dài và cần hỗ trợ

Theo báo cáo của ACV và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nguồn thu và lợi nhuận dự kiến giai đoạn 2020-2025 của ACV giảm sút nghiêm trọng.

Do đó ACV không cân đối đủ nguồn lực đầu tư phát triển toàn bộ 21 CHK do ACV đang quản lý, khai thác. Trong giai đoạn 2021-2025 ACV sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 và các CHK như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Bài, Điện Biên, Cát Bi, Côn Đảo...

Trong bối cảnh đó, việc huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không là rất cần thiết.

Hiện cả nước đang khai thác 22 CHK (13 quốc nội và 9 quốc tế). Khu vực miền Bắc: 7 CHK gồm 3 CHK quốc tế (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi) và 4 CHK quốc nội (Vinh, Điện Biên, Thọ Xuân, Đồng Hới). Khu vực miền Trung: 7 CHK gồm 03 CHK quốc tế (Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh) và 4 CHK quốc nội (Chu Lai, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa).

Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhìn nhận: “Tuy địa phương nào cũng mong muốn có sân bay để phát triển nhưng tôi thấy đầu tư sân bay cần phải cân nhắc hết sức thận trọng. Không phải cứ có nhà đầu tư là làm sân bay mà cần phải cân nhắc rất nhiều yếu tố bao gồm vấn đề kỹ thuật, sự lan tỏa của địa phương khi có sân bay”.

Cũng theo ông Minh, riêng với Quảng Ngãi thì giáp với Quảng Nam có sân bay Chu Lai nhưng hầu như dân Quảng Ngãi đi lại nhiều nhất (chiếm trên 80%). Do đó, nếu nói riêng Quảng Ngãi thì không cần sân bay nữa.

“Song, chúng tôi có huyện đảo Lý Sơn là đảo tiền tiêu của cả nước. Đây là hòn đảo có vị trí, vai trò tầm quan trọng lớn trong việc đảm bảo an toàn, quốc phòng an ninh. Thời gian gần đây, chúng tôi đã đặt vấn đề nghiên cứu, đề xuất đưa vào quy hoạch và đầu tư xây dựng sân bay Lý Sơn. Ý tưởng này đã được báo cáo lên lãnh đạo chủ chốt Trung ương và đang nhận được sự quan tâm lớn.

Nếu được xây dựng sân bay Lý Sơn, sân bay này sẽ phục vụ cho sự phát triển KT-XH của Quảng Ngãi, đảm bảo quốc phòng an ninh quốc gia. Nếu không đầu tư từ ngân sách mà đầu tư từ PPP thì Trung ương rất ủng hộ.

Trong thời gian qua, Quảng Ngãi đã tích cực làm việc với các cơ quan liên quan để đưa sân bay Lý Sơn vào quy hoạch giai đoạn 2021-2030”- ông Minh bày tỏ.

Ông Phạm Ngọc Sáu - Giám đốc Cảng HKQT Vân Đồn cho rằng, để đầu tư một sân bay, để hòa vốn là rất lâu. Thời gian đề án 46 năm là khoảng thời gian cân bằng để hòa vốn, không thể trong vài ba năm là hòa vốn được. Phải xác định đầu tư cơ sở hạ tầng của sân bay là lâu dài và là định hướng là sự phát triển chung. Các sân bay của Việt Nam rất ít sân bay có lãi, ngoài những sân bay lớn như ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Ngay cả sân bay Phú Quốc dù phát triển nhưng cũng chưa hòa vốn.

Theo ông Sáu, điều quan trọng để cảng hàng không có thể phát triển, có các đường bay, có nhiều chuyến bay và nhiều khách... cần nhiều yếu tố. Không chỉ riêng Việt Nam mà các các quốc gia khác, khi mở sân bay cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cho các đường bay mới.

Khi một sân bay phát triển, sẽ kéo theo các ngành khác. Tỉnh Quảng Ninh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ như miễn phí thăm Vịnh Hạ Long, miễn phí vé Yên Tử, miễn phí xe buýt từ Vân đồn đến Hạ Long... để tạo động lực thúc đẩy. Sân bay Cát Bi của Hải Phòng trước đây cũng được thành phố có chính sách hỗ trợ.