Lạm phát trung bình 6 tháng lên tới 3,29%, khó đạt mục tiêu 4% cả năm

ANTD.VN - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê cho rằng, mục tiêu lạm phát cả năm 2018 là 4% rất áp lực.

Lạm phát trung bình 6 tháng lên tới 3,29%, khó đạt mục tiêu 4% cả năm ảnh 1

Giá xăng dầu còn tiếp tục tăng, gây áp lực lên lạm phát năm 2018

Xăng dầu, thực phẩm khiến CPI tăng mạnh

Ngày 29-6, Tổng cục Thống kê họp báo Công bố tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2018. Theo đó, giá cả tăng cao là vấn đề nổi cộm trong 6 tháng qua và làm giấy lên lo ngại lạm phát cả năm 2018 cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.

Ông Nguyễn Bích Lâm- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, CPI 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 2,22% so với tháng 12-2017. Chỉ số CPI từ tháng 1 đến tháng 6 so với cùng kỳ năm trước có tốc độ tăng dần từ mức 2,65% trong tháng 1 lên mức 4,67% trong tháng 6. Bình quân mỗi tháng, CPI tăng 0,37% so với tháng trước, cao hơn rất nhiều so với mức 0,03% của 6 tháng đầu năm 2017.

"Như vậy, để giữ mức CPI bình quân năm 2018 dưới 4% trong bối cảnh điều chỉnh hết giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như kế hoạch đề ra, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường.  Đồng thời, cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI"- ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), CPI 6 tháng đầu năm tăng cao do nhiều nguyên nhân. Về phía điều hành, việc tăng giá dịch vụ y tế, lộ trình tăng học phí và lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp từ ngày 1-1-2018 đã đẩy giá cả tăng cao.

Trong khi đó, về mặt thị trường, giá nhiều mặt hàng cũng tăng mạnh. Đáng kể nhất là việc tăng giá xăng dầu trong những tháng đầu năm và tăng giá thực phẩm. 

Trong 6 tháng đầu năm 2018, giá thịt lợn đã tăng 19,8% so với tháng 12-2017. Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới tăng khá mạnh trong 6 tháng qua. Tính đến ngày 24-6-2018, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 5 đợt và chỉ giảm 2 đợt. 

So với tháng 12-2017, giá xăng A95 tăng 9,7%, dầu diezel tăng 15,17%, dầu hỏa tăng 17,93%, xăng E5 tăng 7,51% so với cuối năm ngoái. Như vậy, bình quân 6 tháng đầu năm 2018, giá xăng dầu tăng 13,59%, đóng góp khoảng 0,59% vào tăng CPI. 

Xu hướng tăng giá vẫn là chủ đạo

Dù mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khẳng định không tăng giá điện trong năm nay song trong nửa cuối năm 2018, xu hướng tăng giá vẫn còn rất lớn. Từ ngày 1-7 tới, lương cơ cơ sở sẽ tăng thêm 90.000 đồng/tháng. Giá dịch vụ giáo dục cũng tăng từ tháng 9-2018 theo lộ trình. 

Đáng chú ý, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu dự kiến tăng kịch khung trong thời gian tới, thêm 1.000 đồng/ lít xăng, 500 đồng/lít dầu sẽ tác động tăng CPI thêm từ 0,27-0,29% nữa. Chưa kể, thị trường xăng dầu thế giới đang có diễn biến phức tạp khi ngày 26-6, Mỹ kêu gọi không mua dầu của Iran. Nguồn cung dầu của Iran đang vào khoảng 2 triệu thùng/ngày dự kiến sẽ giảm xuống còn 1 triệu thùng/ngày sẽ tác động lên giá dầu thế giới.

Theo đại diện của Tổng cục Thống kê, ở thời điểm đưa ra các kịch bản giá cả năm 2018, giá dầu cao nhất chỉ được dự báo là 70 USD/thùng. Trong khi đó hiện tại, giá dầu đã lên tới 70,9 USD/thùng và còn dự báo tăng tiếp. Do đó, giá xăng dầu trong nước vẫn có chiều hướng tăng.

Bên cạnh đó, giá thực phẩm (chủ yếu là thịt lợn) tiềm ẩn nguy cơ tăng cao. Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao và ảnh hưởng của thiên tai sẽ tạo thêm áp lực tăng giá.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, để ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, hợp lý, kiểm soát nguồn vốn vay hiệu quả. Đồng thời, cần chuẩn bị nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm dồi dào, tránh để xảy ra khan hàng sốt giá. 

Theo ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, diễn biến giá cả nêu trên rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, mới đây, "Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh: Các bộ ngành phải "quản" giá những hàng hóa thiết yếu mà các bộ phụ trách có liên quan. Đây là một bước đổi mới trong việc chỉ đạo của chính phủ. Đó là điều hành giá rất cụ thể và có địa chỉ chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện kế hoạch hàng năm"- ông Vũ Vinh Phú nói.

Giá xăng dầu Việt Nam cao thứ ba trên thế giới?

Liên quan đến đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu lên kịch khung, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, việc tăng này là chưa hợp lý. "Nếu thực hiện thì phí và thuế và một số khoản khác trong giá cơ sở xăng dầu sẽ chiếm đến gần 50% giá bán lẻ hiện nay.

Đó là một điều mà chúng ta phải quan tâm bởi vì nó đụng chạm đến chi phí vận chuyển, sản xuất lưu thông những mặt hàng trên thị trường nội địa Việt Nam, làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm Việt về giá cả chắc chắn là sẽ bị yếu thế ngay ở thị trường nội địa chứ chưa nói đến xuất khẩu.

Các chuyên gia tính toán rằng tỉ lệ % giữa giá xăng dầu trên thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam cho ta thấy giá xăng dầu ở Việt Nam cao thứ 3 thế giới chỉ sau Ấn Độ và Pakistan. Cụ thể là: Tỉ trọng của Việt Nam là 14,9%, Ấn Độ: 21,19% và Pakistan: 14,98%, các nước khác xung quanh Việt Nam là Indonesia 5,91%, Thái Lan: 5,77%. Trung Quốc: 4,45%, còn Singapore rất thấp là 0,91%"- ông Vũ Vinh Phú cho hay.