Lạm phát tháng 1-2020 tăng mạnh nhất trong 7 năm gần đây

ANTD.VN - Giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh trong tháng 1-2020.

Không xảy ra thiếu hàng, sốt giá hàng Tết, nhưng giá cả vẫn tăng cao

Tổng cục Thống kê vừa cho biết, CPI tháng 1-2020 tăng 1,23% so với tháng 12-2019 và tăng 6,43% so với tháng 1-2019. Đây là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 1 trong 7 năm gần đây.

Trong mức tăng 1,23% của chỉ số giá tiêu dùng tháng 1-2020 có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Trong đó: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 2,29%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán (lương thực tăng 0,79%; thực phẩm tăng khá cao 2,6% làm CPI chung tăng 0,59%; ăn uống ngoài gia đình tăng 2,26% làm CPI chung tăng 0,2%).

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,47%, chủ yếu do nhu cầu sửa chữa nhà cuối năm tăng làm cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,64% và giá dịch vụ sửa chữa nhà tăng 0,71%; Đồng thời giá gas trong nước điều chỉnh tăng vào thời điểm 1-1-2020 làm chỉ số giá gas tăng 14,08% (làm CPI chung tăng 0,17%).

Nhóm giao thông tăng 0,69% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 31/12/2019 và điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 16-1-2020 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 1,29% (tác động làm CPI chung tăng 0,05%).

Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại và bảo dưỡng phương tiện cuối năm tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng và giá bảo dưỡng phương tiện tăng lần lượt 1,78% và 0,42%.

Ngoài ra, các nhóm hàng khác cũng tăng nhẹ do nhu cầu của người dân trong dịp Tết tăng cao. Riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,03%. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1-2020 tăng 6,43%. Lạm phát cơ bản tháng 1-2020 tăng 0,76% so với tháng 12-2019 và tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cho biết, thị trường bán lẻ trong tháng 1 này khá sôi động, nhất là trong tuần từ sau ngày 23 tháng Chạp, sức mua trên thị trường đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường và tăng khoảng 10-12% so với Tết năm 2019.

Riêng với mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên giai đoạn trước Tết xảy ra thiếu hụt nguồn cung, giá thịt lợn tăng cao gây bất ổn thị trường. Tuy vậy, thị trường thịt lợn đã nhanh chóng bình ổn, mặt bằng giá vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 10-20%.

Giá thịt lợn các loại tại các tỉnh miền Bắc cao hơn so với các tỉnh miền Trung và miền Nam. So với cùng kỳ năm trước, giá thịt lợn hơi cao hơn từ 75 – 77% trong khi giá thịt lợn thành phẩm chỉ cao hơn từ 52-58%.