Lạm phát có xu hướng giảm, khả năng đạt mục tiêu 4,5% trong năm nay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tổng cục Thống kê đưa ra dự báo, lạm phát năm nay có dấu hiệu đạt mục tiêu khoảng 4,5% khi việc kiểm soát lạm phát được thực hiện hiệu quả.
Tốc độ tăng CPI các tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước (%)
Tốc độ tăng CPI các tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước (%)

Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 7 tháng năm 2023 chỉ tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ năm trước, đều giảm so với các mức tương ứng là 3,29% và 4,74% của 6 tháng đầu năm 2023.

Mặc dù vậy, CPI tháng 7 tăng 0,45% so với tháng trước; tăng 1,13% so với tháng 12/2022 và tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước.

“Tốc độ tăng CPI bình quân các tháng có xu hướng giảm dần, là dấu hiệu tích cực cho thấy CPI bình quân năm 2023 đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%”- Tổng cục Thống kê cho hay.

So với cùng kỳ năm trước, CPI các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần. Trong đó, CPI tháng 1-2023 tăng cao nhất với 4,89%, đến tháng 6 chỉ tăng 2%, tháng 7 tăng ở mức thấp 2,06%.

Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm giao thông so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm, từ mức giảm 0,18% trong tháng 2-2023 đã giảm mạnh 9,29% trong tháng 7-2023.

CPI tháng 7 và bình quân 7 tháng tiếp tục giảm, cho thấy xu hướng ổn định. Dù vậy, CPI những tháng cuối năm vẫn chịu tác động của các yếu tố như: Dịch vụ du lịch trong năm 2023 sẽ tăng trưởng trở lại do nhu cầu của người dân tăng cao.

Giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng theo quy luật vào thời điểm đầu năm và cuối năm do nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội.

Thiên tai và dịch bệnh diễn ra trong năm có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực và thực phẩm cục bộ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao trong khi Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Ở chiều ngược lại, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá dầu thế giới. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu Brent trong năm nay có thể ở mức 80 USD/thùng. Do đó, dự báo giá xăng dầu trong nước bình quân năm 2023 giảm sẽ tác động làm giảm CPI.

Để kiểm soát lạm phát năm 2023 đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, Tổng cục Thống kê khuyến nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước;

Chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Đối với mặt hàng xăng dầu, cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung; Cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu;

Quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt cần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát;

Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.