Lái xe bức xúc “tố” tài khoản thu phí không dừng có tiền mà không thể qua trạm BOT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Tài khoản thu phí không dừng còn tiền nhưng không thể qua trạm BOT vì hệ thống không nhận diện được, barie không mở... Hàng loạt lái xe bày tỏ sự bức xúc vì áp dụng công nghệ nhưng vẫn phải dùng tiền mặt thanh toán.

Tài khoản có tiền mà hệ thống không nhận diện

Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh trục trặc trong thu phí không dừng (ETC) nhưng thời gian gần đây, nhiều lái xe phản ánh, trong tài khoản còn tiền nhưng qua trạm BOT lại không nhận diện được dẫn đến phải thanh toán tiền mặt.

Thường xuyên lưu thông trên các tuyến đường ra vào cửa ngõ Thủ đô, anh Nguyễn Quang Trung phản ánh, xe của anh đã dán thẻ thu phí không dừng ePass (Công ty CP Giao thông số Việt Nam- VDTC) nhưng nhiều lần lưu thông trên cao tốc Pháp Vân- Ninh Bình đều bị nhân viên báo là lỗi thẻ, không nhận dạng được thẻ và bắt trả bằng tiền mặt.

“Vào ngày 26/2 vừa qua, tôi lưu thông trên tuyến cao tốc này thì nhân viên trạm BOT nói, hệ thống không nhận dạng được thẻ ePass của tôi, không có dữ liệu, mặc dù trong tài khoản ví Viettel Pay của tôi vẫn còn 121.000 đồng. Sau đó, nhân viên bắt tôi mua vé thủ công và thanh toán bằng tiền mặt”- anh Trung phản ánh.

Nhiều xe dán thể thu phí không dừng ePass nhưng không thể qua trạm BOT dù tài khoản còn dư tiền

Nhiều xe dán thể thu phí không dừng ePass nhưng không thể qua trạm BOT dù tài khoản còn dư tiền

Theo anh Trung, việc này đã diễn ra vài ba lần với xe của anh đã gây tâm lý bức xúc cho anh cũng như các phương tiện lưu thông khác.

“Khi mình đi vào làn thu phí không dừng mà phải dừng lại để mua vé thủ công, trả tiền mặt rất mất thời gian, khiến các phương tiện đi sau phải dừng chờ”- anh Trung nêu ý kiến.

Không chỉ anh Trung, nhiều lái xe khác phản ánh, thậm chí có tình trạng, đầu vào trạm BOT nhận, nhưng khi đầu ra nhân viên lại nói không có dữ liệu, không thấy trên hệ thống và bắt trả bằng tiền mặt.

Nhiều lái xe rất bức xúc về việc khi đến trạm phải mua vé thủ công, trả tiền mặt dù tài khoản có tiền

Nhiều lái xe rất bức xúc về việc khi đến trạm phải mua vé thủ công, trả tiền mặt dù tài khoản có tiền

Tình trạng trục trặc giữa 2 hệ thống thu phí không dừng của Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) và Công ty VDTC đã diễn ra từ khá lâu.

Việc xe dán thẻ ePass của VDTC khi qua các trạm BOT do bên VETC lắp đặt không được nhận diện đã xảy ra. Thậm chí, một số lái xe cho rằng, có sự không hợp tác của các doanh nghiệp BOT khiến tình trạng trục trặc thu phí không dừng ngày một căng thẳng hơn.

Tình trạng này xảy ra trên nhiều tuyến, trong đó nhiều nhất là tuyến cao tốc Pháp Vân- Ninh Bình

Tình trạng này xảy ra trên nhiều tuyến, trong đó nhiều nhất là tuyến cao tốc Pháp Vân- Ninh Bình

Mỗi bên nói một nẻo

Trao đổi về việc này, ông Uông Huy Hoàng, Giám đốc Công ty CP Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) thừa nhận, tuyến cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình do đơn vị đang vận hành khai thác sử dụng công nghệ thu phí không dừng của VETC.

Công ty có ghi nhận tình trạng, một số lái xe dán thẻ ePass của VDTC nhưng khi qua trạm không nhận diện được, không có dữ liệu và buộc lái xe phải trả bằng tiền mặt.

“Từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, đơn vị đã ghi nhận nhiều phản ánh về việc này, VEC O&M cũng đã có văn bản gửi Công ty VETC yêu cầu khắc phục lỗi kết nối giữa các bên nhưng đến nay chưa được triển khai” - vị này cho biết.

Tương tự, trên cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ (sử dụng công nghệ của VETC) ông Vũ Ngọc Oánh, Công ty CP BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ cho biết, về cơ bản, các xe lưu thông trên cao tốc ổn định, việc kết nối thiết bị với thẻ Etag và thẻ ePass đã hoàn tất.

“Gặp trục trặc là do xử lý kết nối giữa Công ty VETC và Công ty VDTC, các đơn vị BOT không có vấn đề gì”- ông Oánh cho hay.

Tuy vậy, lãnh đạo Công ty VEC O&M và BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ đều phủ nhận về tình trạng thẻ thu phí không dừng của lái xe gặp trục trặc có sự can thiệp của các doanh nghiệp BOT.

“Chúng tôi không can thiệp được vào hệ thống thu phí tự động không dừng, chúng tôi chỉ là đơn vị vận hành tuyến đường. Khi có bất kỳ trục trặc gì chúng tôi đều phải có văn bản thông báo cho VETC và VDTC để xử lý”- ông Hoàng cho hay.

Dù vậy, trao đổi với An ninh Thủ đô về việc này, đại diện cả hai đơn vị đang triển khai thu phí không dừng là Công ty VETC và VDTC đều cho rằng, tình trạng trục trặc trong thu phí không dừng có sự thiếu hợp tác của các đơn vị BOT.

Ông Bùi Trình, Tổng giám đốc Công ty VDTC khẳng định, hệ thống thu phí ETC đã liên thông giữa hai tẻ EPass và Etag. Tuy nhiên, việc trục trặc của các tài khoản ePass khi lưu thông qua các trạm BOT sử dụng công nghệ của VETC đã xảy ra từ trước Tết Nguyên đán cho đến nay.

“Chúng tôi đã nhận được nhiều phản ánh về việc này, trên một số tuyến như cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn, cao tốc Pháp Vân- Ninh Bình. Ngày 18/2, chúng tôi đã có văn bản báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam về vấn đề này nhưng chưa khắc phục được”- ông Trình thông tin.

Theo đó, phía VDTC đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì cuộc họp giữa các bên gồm VETC, VDTC, các nhà đầu tư BOT để thống nhất phương án vận hành hợp lý, tránh gây bức xúc kéo dài cho khách hàng. Nhưng đến nay, tình trạng này vẫn chưa được xử lý.

Còn ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc VETC thừa nhận, trục trặc hiện nay phần lớn là do kết nối giữa hai tài khoản Etag và ePass. Dự kiến, trong tháng 3 này, hai bên sẽ phối hợp với nhau để xử lý triệt để vấn đề này.

Thống kê của VETC và VDTC cho thấy, đến hết tháng 2/2021, cả nước đã có khoảng 1,250 xe ô tô đã dán thẻ thu phí không dừng.

Từ ngày 29/12/2020, VDTC đã đưa vào vận hành thu phí không dừng tại 35 trạm BOT, nâng tổng số trạm thực hiện thu phí không dừng trên cả nước là 91 trạm với hai đơn vị thực hiện là Công ty VDTC và VETC.