Lãi suất huy động về dưới 9%/năm, Việt Nam vẫn còn dư địa nới lỏng tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tất cả các ngân hàng đều đã đưa lãi suất huy động về dưới 9%/năm dù áp lực thanh khoản vẫn hiện hữu ở một số nhà băng. Các chuyên gia dự báo dư địa nới lỏng tiền tệ từ nay đến cuối năm vẫn còn.

Mới đây, ABBANK là ngân hàng cuối cùng trong hệ thống đã giảm lãi suất huy động về dưới 9%. Cụ thể, biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 12/4, ABBANK áp dụng mức 8,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 8,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, được gửi thông qua kênh online và ứng dụng ngân hàng số.

Trước đó, SCB là một ngân hàng luôn duy trì mức lãi suất cao top đầu hệ thống cũng đã có động thái giảm mạnh lãi suất huy động. Cụ thể biểu lãi suất vừa công bố áp dụng từ 6/4, mức lãi suất cao nhất đối với tiền gửi trực tuyến tại nhà băng này đang áp dụng chỉ còn 8,25%/năm áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng. Các mức lãi suất trên đã giảm tới 0,95% so với trước đó.

Lãi suất huy động các ngân hàng đều đã về dưới 9%/năm

Lãi suất huy động các ngân hàng đều đã về dưới 9%/năm

Như vậy, tính đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm hoàn toàn về mức dưới 9%/năm. Dù vậy, vẫn có sự chênh lệch rất lớn giữa khối các ngân hàng tư nhân và khối ngân hàng có vốn nhà nước, nhất là ở các kỳ hạn trung từ 6 – 9 tháng. Trong khi khi các ngân hàng quốc doanh chỉ áp dụng lãi suất trên dưới 6%/năm cho kỳ hạn này thì các ngân hàng nhỏ như ABBANK hay SCB duy trì ở mức lên đến 8,25 – 8,5%/năm.

Thêm vào đó, dù mặt bằng lãi suất trên thị trường dân cư giảm nhưng ở thị trường liên ngân hàng đang có dấu hiệu tăng khá nóng. Chỉ trong vòng 20 ngày qua, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã tăng từ vùng 1% lên 5,49%/năm theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho ngày 13/4.

Các kỳ hạn 1 tuần – 1 tháng cũng tăng lên mức 5,47 – 5,63%/năm.

Doanh số trên thị trường này cũng tăng vọt lên xấp xỉ 230 nghìn tỷ đồng; trong đó riêng kỳ hạn qua đêm là gần 203 nghìn tỷ đồng.

Điều này cho thấy dù thanh khoản các ngân hàng đã dồi dào song ở một số nhà băng nhỏ vẫn còn tình trạng thiếu hụt vốn sau những lùm xùm liên quan đến tiền gửi ngân hàng thời gian qua (gửi tiền tiết kiệm bị tư vấn sang mua trái phiếu doanh nghiệp hay bảo hiểm đầu tư).

Dự báo về lãi suất thời gian tới, đa phần các chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ vẫn tiếp tục xu hướng nới lỏng tiền tệ. Các chuyên gia Chứng khoán KBSV cho rằng NHNN sẽ có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn trong năm 2023, với kịch bản cơ sở lạm phát bình quân được kiểm soát tốt quanh 4 - 4,5%.

Quan sát quá khứ giai đoạn 2000 – 2022, nhóm phân tích nhận thấy trong môi trường lạm phát bình quân biến động trong khoảng 4 - 5% thì lãi suất huy động 12 tháng sẽ duy trì quanh mức 7,0-8,0% và lãi suất cho vay bình quân biến động từ 9,5 -11,0%

“Với áp lực từ lạm phát toàn cầu và tỷ giá trong nước được dự báo bớt căng thẳng hơn so với năm 2022, việc đứt gãy chuỗi cung ứng dần được cải thiện và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm giúp giá hàng hoá hạ nhiệt, và FED được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuối quý 2/2023, sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7%, và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%” KBSV dự báo.

Bên cạnh đó, nhóm phân tích cho rằng NHNN có thể sẽ hạ tiếp các loại lãi suất chính sách thêm 0,5 điểm % trong quý II/2023 để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.

Trong năm 2023, KBSV cho rằng các yếu tố được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện cung tiền, giúp hỗ trợ thanh khoản tiền VND trong hệ thống bao gồm: NHNN thực hiện lại nghiệp vụ mua USD, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ thặng dư thương mại, kiều hối và FDI, vay nợ ròng nước ngoài, qua đó giúp tăng dự trữ ngoại hối và bơm 1 lượng tiền VND vào hệ thống các ngân hàng; và Kỳ vọng giải ngân đầu tư công đạt trên 80% kế hoạch năm.