Lại lo “nửa đường đứt gánh”

ANTĐ - Chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với hàng loạt chỉ tiêu “hoành tráng” mà ngành thể thao vừa công bố đang bị đặt dấu hỏi về tính khả thi. Trước đó, không ít chiến lược tương tự đã được vạch ra song đều chịu chung cảnh “chết yểu”. 

Bóng đá Việt Nam vẫn đang chật vật ở giải đấu khu vực, 

khó mong hóa Rồng châu lục

Nói hay, làm…?

Bóng đá nam lọt vào tốp 10 châu Á, còn bóng đá nữ nằm trong tốp 6 châu Á là mục tiêu mà ngành thể thao đề ra cho môn thể thao vua trong chiến lược phát triển đến năm 2030 vừa được Chính phủ thông qua. Để biến giấc mơ đó thành hiện thực, vấn đề tiên quyết được chỉ ra chính là phát triển bóng đá học đường. Cụ thể, đến năm 2030, sẽ có trên 6.000 VĐV trẻ từ U11 đến U18 được đào tạo tập trung, 12.000 CLB bóng đá phong trào, trên 1 triệu hội viên CLB bóng đá trường học và xây dựng hàng loạt học viện bóng đá tại các tỉnh thành lớn… Căn cứ vào những “con số lý thuyết” trên, đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc bóng đá của châu Á!

Phải thừa nhận, về hướng đi và cách thức triển khai, chiến lược trên không có gì khác biệt so với các bản chiến lược trước, thậm chí VFF đã tỏ ra thực tế hơn khi hạ chỉ tiêu từ “lọt vào World Cup 2020” xuống tốp 10 châu Á. Vấn đề nằm ở cách làm. Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn - người chắp bút đề án – thừa nhận: “Vấn đề cốt yếu vẫn là yếu tố con người”. 10 năm trước, chính ông Viễn từng chắp bút một đề án tương tự, nhưng đến nay, bản đề án đó vẫn nằm im lìm trong tủ văn thư của VFF. Một phần nguyên nhân được chỉ ra là năng lực hạn chế và tư duy nhiệm kỳ vốn đã ăn sâu vào bộ máy VFF. 

“Bóc ngắn, cắn dài”

Nếu như ở bóng đá, người ta thấy một kế hoạch phát triển bền vững (trên lý thuyết) thì ở bản chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030 mà ngành thể thao vừa hoàn thiện lại có vẻ như thụt lùi về hướng đi. Vấn đề chọn SEA Games là mục tiêu chính, hay chỉ coi đó là bàn đạp để hướng tới ASIAD, Olympic còn là chủ đề tranh luận chưa hồi kết giữa lãnh đạo ngành thể thao. Tròn 10 năm trước, khi thể thao Việt Nam thỏa mơ ước đứng đầu Bảng tổng sắp huy chương tại SEA Games 22, xuất hiện nhiều ý kiến đề xuất nên chuyển hướng đầu tư trọng điểm cho các sân chơi tầm cỡ hơn. Những mục tiêu đại loại như giành trên 10 HCV ASIAD, hay đoạt HCV Olympic đã được nhắc đến trong bản chiến lược đến năm 2010 trong sự tự tin của lãnh đạo ngành thể thao. Thế nhưng, chiến lược đó đã “chết từ trong trứng nước” bởi quyết tâm nửa chừng của người trong cuộc và bởi thiếu sự liên kết với Bộ Giáo dục - Đào tạo và các sở địa phương trong việc phát triển thể thao học đường, phong trào.

Trở lại với bản chiến lược đến 2030, thay vì đầu tư dàn trải và quá thiên về SEA Games, ngành thể thao đã dần chuyển hướng sang khoanh vùng và chọn lọc từng bộ môn, từng VĐV cụ thể để đầu tư trọng điểm. Cụ thể, VĐV của 4 đội tuyển bắn súng, cử tạ, taekwondo, TDDC đặt trong nhóm trọng điểm loại 1, bởi có khả năng đoạt HCV SEA Games 27, HCV ASIAD 2014 và đoạt huy chương Olympic 2016. Những VĐV tiềm năng được chọn đích danh, cấp chế độ riêng biệt và nhận chỉ tiêu cụ thể. Thay đổi mang tính đột phá - theo đánh giá của Phó Tổng cục trưởng Lâm Quang Thành, Tổng chỉ huy của chiến dịch đổi mới thể thao Việt Nam - này, xét cho cùng chỉ là cách “liệu cơm gắp mắm”, nhắm tới mục đích thành tích trước mắt trong bối cảnh kinh phí eo hẹp. Nhưng bù lại, bản chiến lược này của ngành thể thao vẫn được cho là “thức thời”, phù hợp điều kiện hiện tại và tính khả thi cao hơn kế hoạch dài hơn bên bộ môn bóng đá.