Kỳ vọng vào định hướng của Ngân hàng Nhà nước

(ANTĐ) - Sau gần một tháng chờ đợi, những thông tin điều hành liên quan đến thị trường chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang được triển khai.

Kỳ vọng vào định hướng của Ngân hàng Nhà nước

* Thay Chỉ thị 03, tiếp tục mua ngoại tệ

(ANTĐ) - Sau gần một tháng chờ đợi, những thông tin điều hành liên quan đến thị trường chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang được triển khai.

Nhà đầu tư kỳ vọng những chính sách mới sẽ hỗ trợ thị trường có đà phục hồi cần thiết.

Phiên giao dịch ngày 29-1, thị trường bất ngờ có đà khởi sắc. Ngoài tác động tích cực từ thị trường thế giới, tín hiệu đẩy mạnh mua vào của khối đầu tư nước ngoài, kết quả đấu giá cổ phần Sabeco chính thức công bố, báo cáo khả quan về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết…, một tác động chính và mới là thông tin định hướng từ Ngân hàng Nhà nước.

Tại cuộc họp giao ban báo chí cùng ngày, ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã đưa ra một số thông tin quan trọng. Đây cũng là lần đầu tiên thông tin chính thức và cụ thể từ cơ quan này được đưa ra, khi thị trường chờ đợi và ước đoán về khả năng sửa đổi Chỉ thị 03 về cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán trong suốt tháng qua.

Nhà đầu tư kỳ vọng vào các giải pháp của NHNN
Nhà đầu tư kỳ vọng vào các giải pháp của NHNN

Những định hướng sửa đổi chỉ thị trên của Ngân hàng Nhà nước nằm trong “gói” giải pháp kết hợp hỗ trợ phát triển thị trường chứng khoán với ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trọng tâm của “gói” giải pháp này là kích cầu thị trường, điều chỉnh chính sách phù hợp với bối cảnh mới, khi thị trường vừa trải qua một đợt suy giảm dài và sâu.

Theo ông Nguyễn Đồng Tiến, định hướng sửa đổi Chỉ thị 03 là đưa ra một phương thức quản lý, giám sát mới. Dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán sẽ được áp dụng theo hạn mức dự kiến từ 15-20% vốn điều lệ của các ngân hàng, thay vì hạn mức 3% tổng dư nợ như hiện hành.

Tinh thần chung của Ngân hàng Nhà nước là vẫn giám sát và quản lý chặt chẽ hoạt động cho vay này theo cơ chế quản lý rủi ro tín dụng phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an toàn hệ thống. Trước khi đưa ra phương án trên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tham khảo kinh nghiệm và phương thức của nhiều nước trên thế giới, tham khảo tư vấn của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các chuyên gia trong và ngoài nước.

Ngoài hạn mức mới như dự kiến trên, các ngân hàng triển khai nghiệp vụ cho vay này cũng phải có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%, có tỷ lệ nợ xấu dưới 5% (hiện tại hầu hết các ngân hàng đều đảm bảo được điều kiện này); hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay loại này có thể áp dụng khoảng 200-250% (hiện tại là 150%). Dự kiến cuối tuần này Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành văn bản chính thức.

Với phương án trên, trước hết yêu cầu chung của thị trường là sửa đổi, thay thế Chỉ thị 03 được đáp ứng. Hạn mức 3% tổng dư nợ hiện nay được xem là một tỷ lệ cứng nhắc và mang tính áp đặt với các ngân hàng thương mại, bởi mỗi thành viên đều có những năng lực tín dụng, quản lý rủi ro và quy mô khác nhau.

Theo phương án mới, hạn mức dự kiến từ 15-20% vốn điều lệ sẽ tạo ra cơ chế linh hoạt, theo từng quy mô của mỗi ngân hàng. Tuy nhiên, hạn mức 15- 20% vốn điều lệ nói trên lại khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng, bởi ngay lập tức họ có so sánh với khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng so với hạn mức 3% tổng dư nợ trước đó.

Hiện tại, có khoảng 10 ngân hàng cổ phần có vốn điều lệ trên 2.000 tỷ đồng, một số thành viên đạt trên 3.000 tỷ đồng. Và nếu tính đến Vietcombank khi chuyển sang ngân hàng cổ phần, vốn điều lệ khoảng 15.000 tỷ đồng, nhưng ngân hàng này lại không mặn mà với cho vay đầu tư chứng khoán.

Theo đó, khả năng cấp tín dụng của hầu hết các ngân hàng vẫn khá hạn chế. Với tỷ lệ trên, một ngân hàng có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng cũng chỉ cấp tối đa 400 tỷ đồng dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán. Còn nếu theo hạn mức 3% tổng dư nợ hiện hành của Chỉ thị 03, với tổng dư nợ thường thấy ở mức 20.000 tỷ đồng của một ngân hàng quy mô vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, lượng tín dụng đó có thể lên đến 600 tỷ đồng, cao hơn cho vay theo hạn mức vốn điều lệ.

Ví dụ, với Ngân hàng á châu (ACB) lấy số liệu cuối năm 2007, nếu cho vay theo vốn điều lệ (2.630 tỷ đồng), lượng tín dụng đó có thể được 526 tỷ đồng (theo hạn mức 20%); trong khi nếu cho vay theo 3% tổng dư nợ (31.600 tỷ đồng) thì có thể lên tới 948 tỷ đồng - một chênh lệch lớn. Đó là chưa tính tới điều kiện nâng hệ số rủi ro ở phương thức mới dự kiến.

Như vậy, nếu phương án cho vay đầu tư chứng khoán theo hạn mức từ 15-20% vốn điều lệ nói trên, dòng vốn sẽ bị thu hẹp hơn với những ngân hàng có tổng dư nợ lớn, trái với mong đợi của nhà đầu tư trong suốt thời gian qua. Nhưng với những ngân hàng có tổng dư nợ thấp, vốn điều lệ cao thì khả năng cấp vốn có thể cao hơn.

ở một diễn biến khác, ông Nguyễn Đồng Tiến cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục mua vào ngoại tệ theo tính toán hợp lý và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là một tháo gỡ quan trọng được chờ đợi, tạo thuận lợi cho vốn ngoại quy đổi để tham gia đầu tư, có thể kích cầu cho thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, diễn biến của tỷ giá hiện nay đang bất lợi cho nhu cầu quy đổi này, khi giá USD vẫn trong xu hướng giảm so với VND. Cụ thể, trong tháng 1-2008, tỷ giá đã giảm thêm 0,26% và đang xa dần mốc 16.000VND.

Minh Thu