Kỳ vọng tươi sáng vào bức tranh thế giới năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lịch sử đã chứng minh, không đại dịch nào kéo dài mãi mãi. Có lẽ, đại dịch Covid-19 cũng không nằm ngoài quy luật ngay cả khi biến chủng Omicron đang lây lan mạnh ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Tiếp nối một năm 2021 đầy thử thách, người dân trên khắp thế giới lạc quan rằng 2022 sẽ là một năm tốt đẹp hơn.

Đại dịch sẽ kết thúc, Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu

Từ kinh nghiệm thực tế và lịch sử y khoa, các nhà khoa học, chuyên gia nhận định dịch Covid-19 có thể chuyển thành một bệnh đặc hữu vào năm 2022. Kỳ vọng đó được tính toán trên cơ sở các quốc gia có sự kết hợp giữa tỷ lệ tiêm chủng cao và khả năng miễn dịch tự nhiên ở những người đã nhiễm Covid-19. SARS-CoV-2 vẫn là một loại virus khó lường và đang tiếp tục đột biến khi lây lan qua các cộng đồng dân cư chưa được tiêm chủng.

Tuy nhiên, các chuyên gia bày tỏ sự tin tưởng ngày càng tăng rằng trong năm 2022, nhiều quốc gia sẽ bỏ lại phía sau những gì tồi tệ nhất của đại dịch. Có nhiều dự báo được đưa ra, rằng Covid-19 sẽ giống như các bệnh đặc hữu khác như sốt rét; Covid-19 trở thành một bệnh đường hô hấp theo mùa như cúm. Hoặc, SARS-CoV-2 có thể trở thành virus ít chết chóc hơn, ảnh hưởng đến chủ yếu là trẻ em, nhưng quá trình chuyển đổi đó có thể mất hàng thập kỷ.

Lịch sử đã chứng minh rằng, tất cả các đại dịch đều kết thúc. Và, đại dịch Covid-19 cũng sẽ phải kết thúc. Một trong những thành tựu khoa học lớn nhất của đại dịch là tốc độ phát triển của một số loại vaccine phòng Covid-19 an toàn và hiệu quả. Những dữ liệu mạnh mẽ thuyết phục tiếp tục cho thấy vaccine Covid-19 rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nặng và ca tử vong. Tuy nhiên, chỉ riêng vaccine sẽ không chấm dứt được đại dịch này, nguyên nhân một phần là do virus không ngừng xuất hiện những biến thể mới, dễ lây truyền hơn và cũng vì vaccine chủ yếu để chống lại các ca bệnh nặng và tử vong. Virus càng lan truyền, nó càng có nhiều khả năng phát triển. Trong suốt quá trình của đại dịch, SARS-CoV-2 đã cho thấy khả năng trở nên thích nghi tốt hơn với vật chủ là con người, với các biến thể Alpha và Delta cho thấy khả năng lây truyền được nâng cao. Một trong những ẩn số lớn nhất vào năm 2022 sẽ là quá trình tiến hóa này tiếp tục như thế nào.

Các nhà khoa học đã có cơ sở để khẳng định rằng, biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể trước đó, nhưng tác động của nó không quá nghiêm trọng. Điều này sẽ giúp thế giới quay trở lại trạng thái bình thường trước khi dịch bệnh bùng phát, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều nguồn lực tài chính được đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ. Bloomberg Economic Research dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng 5,1%, cao hơn so với mức dự báo 4,7% trước đó.

Chào đón năm mới 2022 tại Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ

Chào đón năm mới 2022 tại Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ

Các nền kinh tế sẵn sàng đối phó với nguy cơ lạm phát

Trong số các vấn đề thời sự và cấp bách nhất, ngoài đại dịch Covid-19, là lạm phát. Theo các nhà phân tích, bất chấp sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối tháng 11-2021, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sẽ không quá chặt chẽ so với trước đây, do khả năng miễn dịch trong cộng đồng đã được cải thiện. Trong khi đó, khả năng thích ứng với đại dịch của nền kinh tế cũng đồng nghĩa với việc các biện pháp hạn chế được áp đặt trở lại sẽ gây ít thiệt hại hơn.

Dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu tình trạng lạm phát vẫn tiếp diễn, các nhà hoạch định chính sách có thể gặp khó khăn trong việc tránh để nền kinh tế quay trở lại suy thoái. Vấn đề quan trọng là cách các nền kinh tế thế giới đối phó với lạm phát. Nếu các vấn đề ảnh hưởng đến nền kinh tế không được kiểm soát, thế giới có thể sẽ phải gồng mình chống chọi với suy thoái vào năm 2023 hoặc 2024.

Phần lớn sức ép lạm phát hiện nay vẫn có thể liên quan đến tốc độ phục hồi ở nhiều nền kinh tế và tất nhiên là do sự gián đoạn nguồn cung lớn và kéo dài. Tuy nhiên, bản thân sự thiếu hụt nguồn cung có thể là triệu chứng của các vấn đề lớn hơn, chẳng hạn như kích thích kinh tế quá mức, các chính sách tiền tệ không hiệu quả hoặc mức tăng năng suất thấp. Tác động của điều này đối với các thị trường tài chính sẽ khác nhau, tùy thuộc vào yếu tố nào trong số những yếu tố kể trên đang gây tác động và ở mức độ nào.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Mỹ có thể tăng trưởng 6% trong năm 2022. Các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng được đánh giá phục hồi nhanh hơn dự kiến, tăng trưởng ở mức 5%. Còn Trung Quốc vẫn giữ nguyên dự báo GDP năm nay sẽ vượt mục tiêu 6%. Đầu năm 2021, nhiều người dự đoán tỷ lệ lạm phát ở Mỹ vào cuối năm sẽ là 2%. Kết quả, tỷ lệ lạm phát lên đến 7%. Do đó, phần lớn mọi người dự đoán tỷ lệ lạm phát trong năm 2022 sẽ ở mức tiệm cận mục tiêu cuối năm.

Người dân Thủ đô Paris, Pháp đón mừng năm mới 2022 trên Đại lộ Champs-Élysées

Người dân Thủ đô Paris, Pháp đón mừng năm mới 2022 trên Đại lộ Champs-Élysées

Giá cả thực phẩm, nhu cầu cứu trợ nhân đạo sẽ tăng mạnh

Lịch sử thế giới đã ghi nhận, nạn đói luôn là một trong những nguyên nhân dẫn đến biến động xã hội. Đại dịch Covid-19 và thời tiết khắc nghiệt đã đẩy giá thực phẩm toàn cầu lên mức cao kỷ lục và tình trạng này có thể tiếp diễn trong năm tới. Cú sốc lần trước xảy ra vào năm 2011 - giá thực phẩm leo thang dẫn đến “làn sóng” phản đối của người dân, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông. Nguy cơ này hiện vẫn thường trực ở nhiều quốc gia Trung Đông. Sudan, Yemen và Lebanon cũng đang chịu sức ép, và tình trạng này có thể còn tồi tệ hơn so với năm 2011. Tình hình ở Ai Cập chỉ được cải thiện đôi chút. Cuộc nổi dậy của người dân là sự kiện cục bộ hiếm thấy, nhưng nguy cơ biến động khu vực ở phạm vi lớn hơn là có thật.

Đại dịch Covid-19 kéo dài cùng với thiên tai và biến đổi khí hậu đã làm gia tăng vấn đề di cư và nhu cầu nhân đạo. Đại dịch cùng với các biện pháp hạn chế để phòng dịch đã đẩy thêm khoảng 20 triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực. Dịch bệnh cũng khiến hệ thống y tế trên thế giới rơi vào tình trạng quá tải. Cùng lúc, biến đổi khí hậu khiến thiên tai xảy ra thường xuyên hơn. Dự báo, đến năm 2050, khoảng 216 triệu người có thể bị buộc phải chuyển đi khu vực khác trong nước do tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu. Biến đổi khí hậu đang góp phần gia tăng nạn đói và mất an ninh lương thực, với 45 triệu người tại 43 nước trên toàn thế giới có nguy cơ đói ăn.

Báo cáo của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cảnh báo nhu cầu cứu trợ nhân đạo đang tăng mạnh trên toàn thế giới, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành trong khi biến đổi khí hậu và xung đột đẩy thêm nhiều người đến bên bờ vực đói nghèo. Hiện trên toàn thế giới có 811 triệu người thiếu dinh dưỡng và nếu không có hành động ngay lập tức và liên tục, năm 2022 có thể là năm thảm họa.

Tuy nhiên, việc các nước đẩy mạnh thích ứng an toàn với Covid-19, vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa mở cửa phát triển kinh tế hứa hẹn một triển vọng tươi sáng hơn cho năm mới 2022.