Kumari tại Nepal (2): Nữ thần hoàn tục ra sao?

ANTD.VN - Kumari là những cô gái nhỏ mang trong mình sức mạnh của nữ thần Taleju. Suốt tuổi thơ, các bé gái này sẽ sống như một nữ thần, phải tuân thủ nhiều quy tắc để duy trì sức mạnh và sự tinh khiết. Điều này khiến sự hoàn tục trở nên khó khăn hơn khi kỳ kinh nguyệt đầu tiên xuất hiện, Kumari bị phế truất trở thành người bình thường.

Sau một khoảng thời gian dài được chiều chuộng và sống một cách tách biệt với thế giới bên ngoài, hầu hết các nữ thần Trinh nữ - Kumari đều gặp khó khăn, thậm chí là một cú sốc lớn, để trở lại cuộc sống của một người bình thường. Nhiều người đã vượt qua được giai đoạn đặc biệt đó, nhưng cũng có người bị mắc kẹt lại và không thể thoát ra.

Kết hôn với mặt trời

Khi xuất hiện kinh nguyệt lần đầu tiên, các Kumari – các Nữ thần Trinh nữ trở lại thành những cô bé bình thường. Như mọi cô bé khác, họ sẽ trải qua nghi lễ Gufa – nghi lễ kết hôn với mặt trời.

>> Kumari tại Nepal (1): Kỳ lạ vị nữ thần chân không chạm đất

Lễ Gufa diễn ra trong vòng 12 ngày đêm. Khi đó, các bé gái phải ở trong phòng riêng. Toàn bộ cửa sổ trong căn phòng đều bị che kín để không cho ánh sáng mặt trời chiếu vào. Trong suốt 12 ngày, cô bé không được gặp bất kỳ người khác giới nào, kể cả những người khác giới trong gia đình mình. Chỉ có bạn bè và những người thân cùng giới mới có thể tiếp xúc với cô.

Kumari tại Nepal (2): Nữ thần hoàn tục ra sao? ảnh 1

Trong lễ Gufa, các cô gái phải ở trong các phòng kín, ánh mặt trời không thể chiếu vào và chỉ có thể tiếp xúc với bạn bè và những người thân cùng giới (Ảnh: EPA)

Trong thời gian này, căn phòng trở thành một chốn an toàn để cô gái khám phá chính cơ thể mình. Từ những người thân, bạn bè cùng giới, cô gái học về các quy tắc xã giao khi trở thành một phụ nữ  và những bài học về ứng xử trong xã hội.    

Vào ngày thứ 12, cô gái được tắm rửa sạch sẽ, mặc trang phục màu đỏ, đeo trang sức bằng vàng. Cô được đưa ra khỏi căn phòng để thực hiện nghi thức kết hôn với mặt trời, nghi lễ đánh dấu việc các cô gái nhỏ chính thức trở thành người mang sự sống.

Kumari tại Nepal (2): Nữ thần hoàn tục ra sao? ảnh 2

Samita Bajracharya, trùm khăn đỏ che mặt và vẫn đang là Kumari, được người nhà đưa ra khỏi phòng vào ngày thứ 12. Cô mặc trang phục cưới truyền thống để chuẩn bị cho nghi thức kết hôn với mặt trời. (Ảnh: EPA)

Đối với những cô gái từng là hiện thân của nữ thần Taleju, Kumari, sau lễ Gufa, cuộc sống thần linh của họ chính thức kết thúc khi họ trải qua nghi thức tháo búi tóc và xóa đi con mắt thứ ba trên trán. Từ thời khắc đó, họ không còn được coi là một nữ thần nữa.

Kumari tại Nepal (2): Nữ thần hoàn tục ra sao? ảnh 3

Sau 12 ngày lễ Gufa, Samita Bajracharya ở bờ sông làm lễ tháo búi tóc và rửa đi con mắt thứ ba trên trán, những thủ tục cuối cùng để chính thức trở lại cuộc sống bình thường (Ảnh: EPA)

Những cú sốc

Sau khi trải qua đầy đủ các nghi thức, “cựu” Kumari có thể chính thức bước ra khỏi nhà trên chính đôi chân của mình. Cú sốc của họ bắt đầu và kéo dài đến hết quá trình chuyển tiếp từ một nữ thần trở thành một cô gái bình thường.

Kumari tại Nepal (2): Nữ thần hoàn tục ra sao? ảnh 4

Chanira Bajracharya, khi còn là Kumari, đang ban phúc cho một vị khách (Ảnh: Paula Bronstein/Getty Image)

“Khi tôi bước ra khỏi nhà lần đầu tiên sau khi chính thức từ nhiệm, tôi còn không biết cách đi thế nào cho đúng bởi vì lúc nào cũng có người bế tôi khi cần đi ra ngoài. Lúc đó, bố mẹ đã phải cầm tay và dạy tôi làm thế nào để đi được” - Chanira Bajracharya, một “cựu” Kumari, đã gặp vấn đề ngay khi kết thúc nhiệm kỳ 10 năm làm nữ thần của mình. Ở tuổi 15, cô gái không thể định hướng được các con đường trong khu phố nhà mình. Mẹ đã phải đưa cô gái  đến trường. “Thế giới bên ngoài hoàn toàn khác lạ đối với tôi”.  

Sau nhiều năm sống ẩn dật và cô lập trong nhà, khi đến trường đi học, Chanira còn gặp vấn đến với chính bạn học và giáo viên của mình. “Đi học thật sự là thử thách lớn. Tất cả các bạn cùng lớp đều sợ phải nói chuyện với tôi vì tôi là một cựu nữ thần. Các bạn thậm chí còn nói rằng tôi là một người ngoài hành tinh. Có những khác biệt trong cách mọi người đối xử với tôi”.   

“Trở thành nữ thần giống như trở thành công chúa vậy, bạn làm mọi thứ ở nhà. Tôi chẳng bao giờ muốn ra khỏi nhà. Tôi thích được ở nhà và là một phần của đời sống thần thánh”. Mặc dù vẫn chờ đợi ngày mình chính thức bị “phế truất”, cô gái Chanira 15 tuổi vẫn cảm thấy sự chuyển đổi thật khó khăn. Cô không còn được những tín đồ gập mình phía trước hay chạm vào chân để cầu xin được ban phúc như trước. “Tôi chưa bao giờ hình dung được cuộc sống của mình lại thay đổi đột ngột như vậy”.

Người được lựa chọn tiếp theo cho ngôi vị Kumari tại Patan, thay thế cho Chanira Bajracharya là Samita Bajracharya, khi được 7 tuổi. “Triều đại” của Samita kết thúc khi cô bé 12 tuổi. Hơn một tháng sau khi bị phế bỏ khỏi ngôi vị, Samita vẫn còn rất sốc trước sự thay đổi.

Kumari tại Nepal (2): Nữ thần hoàn tục ra sao? ảnh 5

Khi không còn là Kumari, Samita có thể chơi đàn sarod, một nhạc cụ Ấn Độ. Và phải mất vài tháng, cô mới tự tin giao tiếp (Ảnh: EPA)

Đối với Samita, những tuần lễ sau khi kết thúc “nhiệm kỳ” của mình đặc biệt đau lòng. Gia đình Unika, vị Kumari kế nhiệm, sống cùng với gia đình Samita trong một tháng khi chờ  hoàn thành việc sửa chữa nơi ở của mình, ngay bên cạnh nhà của Saminta. Hằng ngày, Samita chứng kiến những tín đồ xếp hàng trong phòng khách của gia đình và khi một cô gái nhỏ khác ngồi trên chiếc ngai trong phòng thờ cũ của chính cô. Trong khoảng thời gian đó, thỉnh thoảng cô gái vẫn mơ về thời gian mình là Nữ thần Kumari một cách đầy tiếc nuối.

Vượt qua

Cả Chanira và Samita, bằng cách này hay cách khác, đều đã vượt qua được giai đoạn chuyển tiếp đầy khủng hoảng.

Kumari tại Nepal (2): Nữ thần hoàn tục ra sao? ảnh 6

Cô gái Chanira Bajracharya giờ đã quen với cuộc sống thường ngày (Ảnh: Pan Lan/Nepalitimes)

Chanira Bajracharya, sau khi rời khỏi ngôi vị, đã tốt nghiệp phổ thông loại xuất sắc. Cô gái cũng theo học Đại học quản lý Kathmandu với mong muốn trở thành một nhân viên ngân hàng. Cô gái thừa nhận, mất một năm cô mới quen được việc giao tiếp xã hội và không cảm thấy sợ khi phải nói chuyện với người lạ. Cô vẫn gặp khó khăn khi phải thuyết trình trước cả lớp trong các giờ học của mình. Tuy nhiên, không ai nhận thấy điều đó trước một Chanira thông minh, giàu biểu cảm và nói tiếng Anh nhuần nhuyễn một cách ấn tượng như bây giờ.

Kumari tại Nepal (2): Nữ thần hoàn tục ra sao? ảnh 7

Samita trên đường đến buổi biểu diễn đầu tiên của mình. Trông cô không khác gì bạn bè cùng lứa.

(Ảnh: Narendra Shrestha) 

Samita cuối cùng cũng đi học trở lại. Cô gái bộc lộ khả năng đặc biệt với cây đàn sarod, một loại nhạc cụ của Ấn Độ. Ngoài giờ đến trường, cô còn tham gia các lớp học nhạc. Thời gian đầu tiên, mẹ vẫn phải tháp tùng bởi đám đông, giao thông, phương tiện công cộng, tiếng ốn, thậm chí là vỉa hè lồi lõm đều là thử thách khó khăn với cô. Những người lạ cũng đáng sợ không kém. Thế nhưng khoảng 5 tháng sau đó, người ta đã thấy Samita đi bộ trên phố với cây đàn sarod để đến buổi biểu diễn trước công chúng đầu tiên của mình vào ngày 12-05-2014.   

Mặc dù giai đoạn chuyển tiếp từ một nữ thần sang một người trần tục luôn luôn khó khăn, hầu hết các “cựu” Kumari đều bắt nhịp được với cuộc sống bên ngoài. Tuy nhiên, có một người không vượt qua được cú sốc theo một cách bình thường như những người khác. Người đó là Dhana Kumari Bajracharya.

Kumari tại Nepal (2): Nữ thần hoàn tục ra sao? ảnh 8

Dhana Kumari Bajracharya tại Kathmandu vào tháng 5-2015, hơn 30 năm sau khi bị phế truất khỏi ngôi vị Kumari. (Ảnh: Ishara S. Kodikara/AFP/Getty Images)

Dhana Kumari Bajracharya lên ngôi nằm 1954, khi cô mới được 2 tuổi, và trị vì trong vòng 3 thập kỷ tiếp theo. Bởi vì Dhana Bajracharya không bao giờ có kinh nguyệt, ở tuổi 30, cô vẫn là một Kumari ở Patan. Vào năm 1984, Thái tử Dipendra 13 tuổi của Nepal, người sẽ tàn sát gia đình mình 17 năm sau đó, đã gây ra một cuộc tranh cãi về độ tuổi của cô và cuối cùng, chấm dứt nhiệm kỳ của vị Kumari này.

Bị ép phải rời bỏ ngôi vị, Dhana Kumari Bajracharya quyết định tiếp tục sống cuộc sống duy nhất mà cô biết. Chứng kiến sự chuyển đổi từ một vương quốc sang một nước có chính quyền thế tục cùng những thay đổi của xã hội hiện đại, thói quen hàng ngày của vị “cựu” nữ thần này vẫn như cũ.

Kumari tại Nepal (2): Nữ thần hoàn tục ra sao? ảnh 9

Dhana Kumari Bajracharya vẫn duy trì nếp sống của một Nữ thần Trinh nữ kể cả sau khi bị phế truất. Trong ảnh là căn phòng của Dhana Kumari Bajracharya. (Ảnh: Ishara S.kodikara/AFP/Getty Images)

Hằng sáng, cô thức dậy, mặc một chiếc váy thêu màu đỏ giống như chiếc váy mà cô đã mặc trong suốt những năm còn là Kumari, búi tóc thành một túm trên đỉnh đầu và kẻ viền mắt uốn cong lên tới thái dương. Vào những dịp đặc biệt, cô sử dụng phấn đỏ và vàng để vẽ một con mắt thứ ba giữa trán và ngự trên một ngai gỗ được trang trí với các hình chạm khắc rắn bằng đồng.

Khi trận động đất quy mô lớn xảy ra ở Nepal vào tháng 4-2015 khiến hàng nghìn người thiệt mạng, ngôi nhà, nơi vị nữ thần Trinh nữ ở ngôi lâu nhất tại Nepal sống trong vòng 3 thập kỷ, có nguy cơ sụp đổ. Và cô buộc phải làm việc mà cô không hề tưởng tượng – lần đầu tiên trong đời bước đi trên phố - bởi vì cô trở thành nữ thần Trinh nữ ở tuổi lên 2 và luôn luôn được bế hay ngồi kiệu trong những lần xuất hiện công khai hiếm hoi sau đó.

Kể từ sau trận động đất, Dhana Kumari Bajracharya dành phần lớn thời gian để mải mê cầu nguyện. Kể cả khi có những thay đổi ngoại cảnh vô cùng lớn đã xảy ra, cô vẫn chưa hoàn toàn vượt qua được cú sốc của mình.

Trở thành một nữ thần Trinh nữ cũng là một quãng thời gian đặc biệt đối với các cô gái. Bất chấp việc họ không thể tận hưởng tuổi thơ như những đứa trẻ khác, bất chấp việc cuộc sống của chính họ và cả gia đình mình thay đổi, các cô gái này vẫn trân trọng quãng thời gian mình là một phần của thế giới thần thánh. Và giai đoạn chuyển đổi có khó khăn và lâu dài, họ vẫn vượt qua để trở lại thành người bình thường. 

Tìm kiếm và tuyển chọn Kumari - nữ thần Trinh nữ, nữ thần sống là tập tục truyền thống đặc biệt và vô cùng độc đáo tại đất nước Nepal, đặc biệt là khi vị nữ thần sống này được cả người theo đạo Hindu và người theo đạo Phật tại đất nước này tôn thờ. Cho dù Nepal đã thay đổi rất nhiều kể tử thời điểm phong tục này hình thành, các Kumari vẫn luôn là các vị nữ thần được tôn thờ và trọng vọng.