- Cắt giảm 1/3 số lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19
- 5 bài học đúc rút từ dịch Covid-19 để tăng khả năng tự chủ của nền kinh tế
Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển |
Nói về đóng góp của kinh tế tư nhân, ông Phan Đức Hiếu khẳng định, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, khu vực kinh tế này hiện chiếm tỷ trọng 42-43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân cũng góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội...
Những đóng góp của kinh tế tư nhân góp phần giúp thay đổi “diện mạo” đất nước, nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, khu vực kinh tế này vẫn bộc lộ nhiều hạn chế nên chưa thể trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế do năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế này còn thấp. Năng suất lao động bình quân của khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng khoảng 34% năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước và khoảng 69% năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Chưa kể, năng lực khoa học - công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, thậm chí có nơi còn lạc hậu, tính liên kết kém nên tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chuỗi giá trị không cao.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu loại trừ hàng triệu hộ kinh doanh, tỷ trọng đóng góp GDP của khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ khoảng 9-10%, không phải 42-43% GDP như đề án nêu.
Do đó, để phát triển doanh nghiệp tư nhân, bà Phạm Chi Lan cho rằng Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho doanh nghiệp. Đồng thời, không thể đánh đồng không gian phát triển của doanh nghiệp, không nên hỗ trợ tràn lan, không có mục tiêu rõ ràng...
“Nhà nước cần tin tưởng, dựa vào doanh nghiệp để thực hiện, tạo lập môi trường cạnh tranh. Nếu cơ quan nhà nước chỉ thiết kế chính sách với nhau, không đặt lòng tin vào doanh nghiệp thì sẽ khó phát triển"- bà Phạm Chi Lan nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để thúc đẩy kinh tế tư nhân, cần bắt đầu từ sự thay đổi tư duy trong quản lý, tạo sự thân thiện, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư, quản lý Nhà nước nhưng không nặng nề, không kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Chính sách hấp dẫn sẽ thu hút đầu tư vào kinh tế tư nhân, thay vì đầu tư vào bất động sản hay vàng.
Ông Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, quan quản lý Nhà nước cần giảm can thiệp hành chính sâu vào quản trị nội bộ doanh nghiệp, phân bổ các nguồn lực hợp lý, đưa ra chính sách ưu đãi có tính khả thi, đồng thời thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị để tạo chỗ đứng cho doanh nghiệp tư nhân.