Kinh tế phát triển theo chiều hướng tích cực

(ANTĐ) - Truyền đạt đánh giá của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 7-2009, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình hình kinh tế - xã hội đã có sự chuyển biến tích cực, đồng đều trên tất cả các lĩnh vực song không được chủ quan, lơ là.

Kinh tế phát triển theo chiều hướng tích cực

(ANTĐ) - Truyền đạt đánh giá của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 7-2009, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình hình kinh tế - xã hội đã có sự chuyển biến tích cực, đồng đều trên tất cả các lĩnh vực song không được chủ quan, lơ là.

Không được phép chủ quan

Tại cuộc họp báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trừ tháng 1-2009, từ tháng 2 tới nay, sản xuất công nghiệp tăng liên tục. Tính chung 7 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 382,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1%. Cũng trong giai đoạn này, khu vực dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá cao.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa 7 tháng ước đạt 367,8 triệu tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2008. Bộ KH-ĐT cũng cho biết, tuy trong tháng 7, mưa lũ lớn trên diện rộng ở đồng bằng và trung du, miền núi Bắc bộ ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ mùa, song nhìn chung sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá ổn định.

Hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng tương đối ổn định, tháng 7 chỉ tăng 0,52% so với tháng trước. So với tháng 12-2008, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 3,22%. Sau 7 tháng, có 510 dự án đầu tư nước ngoài được đăng ký mới với tổng vốn đạt 10,1 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký mới là 5,4 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số vốn đăng ký mới trong 7 tháng đầu năm giảm sút khá lớn so với cùng kỳ, ước đạt 207,6 nghìn tỷ đồng, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng cơ bản đồng tình với đánh giá của Bộ KH-ĐT. Thủ tướng cũng nhận định, xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn. Nhập siêu tuy thấp nhưng tỷ trọng hàng tiêu dùng còn cao. Tai nạn giao thông giảm nhưng vẫn còn ở mức nghiêm trọng. Dịch bệnh diễn biến phức tạp... Do đó, để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bội chi ngân sách dưới 7%, tăng trưởng GDP hơn 5%, đảm bảo an sinh xã hội, cần phải cố gắng nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa.

Tiếp tục chăm lo cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất
Tiếp tục chăm lo cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất

Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với theo sát tình hình thế giới để ứng biến linh hoạt, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhân dân... cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp kích thích nền kinh tế Chính phủ đã ban hành. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chưa đặt vấn đề điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô song cũng không chủ quan mà phải tiếp tục quan sát, nâng cao tính ổn định của nền kinh tế.

Thủ tướng cũng lưu ý việc chú trọng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Đồng thời, phải tập trung giải ngân vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản song song với kiểm tra, giám sát chất lượng công trình, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi... Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo quyết liệt trong việc hỗ trợ cho 61 huyện nghèo và phòng, chống dịch cúm A/H1N1, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Thủ tướng nhắc nhở tập trung cải cách hành chính, nhất là cải tiến các thủ tục hải quan, đồng thời tăng cường phòng chống thiên tai, bão lụt...

Cân nhắc tăng giá xăng dầu

Liên quan tới đề xuất tăng giá xăng dầu mới đây của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết, Bộ này đã nhận được đề xuất song đang trong quá trình cân nhắc nên chưa thể trả lời có đồng ý tăng giá hay không. “Tăng giá xăng dầu ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng nên phải cân nhắc, tính toán rất kỹ” - ông Nguyễn Công Nghiệp nói.

Về vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là công tác quản lý các tập đoàn kinh tế Nhà nước, tại phiên họp lần này, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến dự thảo Nghị định thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế Nhà nước. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cho biết, dự thảo lần này đã có nhiều điểm mới. Theo đó, trong một số trường hợp, tập đoàn kinh tế được quyền tự quyết mức lương chi trả để ngăn chảy máu chất xám. Cũng theo ông Phạm Viết Muôn, dự thảo quy định, thẩm quyền cho phép các tập đoàn kinh tế đầu tư ra ngoài ngành sẽ do Thủ tướng quyết định.

Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chúng ta dự báo tình hình kinh tế - xã hội cơ bản đúng với thực tế đang diễn ra.

Từ dự báo, ngay từ cuối năm 2008 và đầu năm 2009, trong chỉ đạo, Chính phủ kịp thời chuyển hướng từ tập trung kiềm chế lạm phát chuyển sang chỉ đạo tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Nhờ đó, 7 tháng qua, nền kinh tế đất nước đã có sự chuyển biến đồng đều ở cả 3 khu vực: công nghiệp liên tục tăng trưởng, nông nghiệp phát triển ổn định, dịch vụ ngày càng phát triển. Những kết quả bước đầu, quan trọng này đã tạo tiền đề thuận lợi cho thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2009 và các năm tiếp theo.

Thành Nam