Kinh tế khởi sắc, doanh nghiệp mở rộng kinh doanh

ANTD.VN -Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2017. Theo đó, tăng trưởng kinh tế tiếp tục khởi sắc. 

Kinh tế khởi sắc, doanh nghiệp mở rộng kinh doanh ảnh 1Cần tiếp tục tăng cường năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Cùng với đó, tăng trưởng lao động khu vực kinh tế tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng lên trong 7 tháng đầu năm 2017. 

Công nghiệp tiếp tục tăng trưởng

Nhiều năm nay, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo luôn thu hút được nhiều vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhất. Đây cũng là lĩnh vực giữ nhịp độ tăng trưởng cao, ổn định trong những năm gần đây. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7-2017 ước tính tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 3,5%; ngành chế biến, chế tạo tăng 11,3%; Sản xuất và phân phối điện tăng 12,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 10%. 

Tính chung 7 tháng năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước và ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%, đóng góp 7,45 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Đây là ngành đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. 

Kéo theo mức tăng trưởng này, số lao động trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng 4,4% so với cùng thời điểm năm trước. Lao động trong khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,6%; doanh nghiệp FDI tăng 7,1%, nhưng lao động trong khu vực Nhà nước lại giảm 2,2%; Lao động trong các ngành khai khoáng, sản xuất và phân phối điện… đều giảm mạnh. Điều này cho thấy sự chuyển dịch lao động từ khu vực Nhà nước sang khu vực ngoài Nhà nước, khu vực FDI để đáp ứng yêu cầu sản xuất, xuất khẩu. 

Phân theo địa phương, những nơi có nhiều khu công nghiệp tập trung, thu hút nhiều đầu tư trong và ngoài nước nhất cũng là nơi số lao động tăng vọt như Bắc Ninh và Thái Nguyên với tỷ lệ lao động tăng lần lượt là 25,1% và 5,8%. Trong khi đó, nhà tuyển dụng “khổng lồ” không thể không nhắc tới là Samsung. 

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, thống kê nêu trên cho thấy có sự chuyển dịch của lao động, từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân và FDI. “Ngành chế biến, chế tạo lâu nay luôn thu hút các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhiều nhất. Nay số lao động khu vực này tiếp tục tăng, chứng tỏ sản xuất khởi sắc nên doanh nghiệp mới tiếp tục tuyển dụng lao động mới vào làm việc. Trong khi đó, các ngành còn lại thường có sự tham gia của doanh nghiệp Nhà nước thì lại giảm số lao động do thực hiện tái cơ cấu, tăng năng suất lao động” - vị chuyên gia bình luận.

Tăng lực để đương đầu với thách thức

Cũng theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng năm nay, cả nước có 72.953 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 690,7 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% về số doanh nghiệp và tăng 39% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,5 tỷ đồng, tăng 22,2%, cho thấy doanh nghiệp đang kỳ vọng vào môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và hiệu quả. 

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, trong 7 tháng qua, cả nước đã có 6.608 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng là 43.274 doanh nghiệp, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 15.866 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 16,2% và 27.408 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 21,5%. 

Phần lớn trong số này là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, cho thấy khả năng “đương đầu” với những thách thức của đội ngũ này còn hạn chế, rủi ro rất cao. Để tồn tại và mở rộng được quy mô kinh doanh, doanh nghiệp cần thay đổi cách thức quản trị, tăng năng suất và chất lượng lao động. Đồng thời, cần tìm kiếm cơ hội từ các thị trường ngách, tham gia vào các chuỗi sản xuất của doanh nghiệp lớn.