Kiến nghị giao Lạng Sơn là nhà đầu tư dự án nâng cấp quốc lộ 4B

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao tỉnh Lạng Sơn làm đơn vị đầu tư dự án nâng cấp quốc lộ 4B đến khi hoàn thiện dự án sẽ bàn giao lại cho Bộ GTVT khai thác, quản lý. 

Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư dự án nâng cấp đoạn Km18 - Km80, QL4B (tỉnh Lạng Sơn).

QL4B thuộc đường vành đai 1 nối tỉnh Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh, có vai trò quan trọng đối với hệ thống giao thông khu vực, phát triển KT-XH các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh; kết nối tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng với các cảng biển khu vực Quảng Ninh.

Với quy mô hiện đang khai thác (đường cấp IV miền núi, nền đường rộng 7,5m, mặt đường cấp phối đá dăm láng nhựa rộng 5,5m) không đáp ứng được nhu cầu vận tải hiện tại và tương lai, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Quốc lộ 4B sẽ được cải tạo, nâng cấp để đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội

Quốc lộ 4B sẽ được cải tạo, nâng cấp để đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội

Theo tính toán, dự án nâng cấp đoạn Km18-Km80, QL4B dự kiến tổng mức đầu tư là 3.400 tỷ đồng, dự kiến bố trí vốn từ Chương trình phục hồi KT-XH là 2.500 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn còn thiếu, Thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn đã nhất trí chủ trương cam kết bố trí vốn từ ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 900 tỷ đồng trong giai đoạn 2022 - 2025 để thực hiện dự án.

Theo Bộ GTVT, dự án đầu tư QL4B đoạn Km18 - Km80 đã được đưa vào danh mục dự án đầu tư của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH để tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển hàng hóa, giảm ùn tắc và TNGT góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biên giới phía Bắc.

Tuy nhiên, để triển khai dự án cần điều chuyển chức năng QL4B đoạn Km18 - Km80 từ quốc lộ thành đường địa phương và điều chuyển quản lý tài sản từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Lạng Sơn.

Khó khăn ở chỗ, đoạn Km18 - Km80 QL4B không có đường song hành. Nếu điều chuyển thành đường địa phương sẽ mất tính liên tục, không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ.

“Việc điều chuyển chức năng, tài sản của toàn bộ QL4B cũng sẽ mất nhiều thời gian do Bộ GTVT phải thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với thời gian tối thiểu 5 tháng.

Cùng đó, Bộ Tài chính phải thực hiện điều chuyển tài sản, dẫn đến không bảo đảm tiến độ dự án theo yêu cầu của Chương trình (giải ngân toàn bộ vốn bố trí cho dự án trong năm 2023).

Trường hợp nếu điều chuyển thành đường địa phương, đoạn tuyến quốc lộ 4B không còn là quốc lộ nên chưa phù hợp với tên dự án trong danh mục Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH (nâng cấp đoạn Km18-Km80 quốc lộ 4B) nên phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh tên gọi dự án”, Bộ GTVT phân tích.

Theo Bộ GTVT, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 phân bổ cho Bộ GTVT hạn chế, chưa thể cân đối bố trí đầu tư cải tạo, nâng cấp QL4B, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ động huy động ngân sách địa phương phối hợp với nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH để thực hiện đầu tư dự án.

Do vậy, việc giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan chủ quản sẽ phát huy được tính tự chủ, huy động nguồn lực của địa phương để quản lý, điều hành dự án; tạo thuận lợi trong công tác GPMB, rút ngắn thời gian thực hiện đầu tư; huy động, tận dụng và phát huy năng lực của Trung ương và địa phương để triển khai dự án, thúc đẩy giải ngân trong 2 năm 2022 – 2023.

“Bộ GTVT sẽ bàn giao nguyên trạng QL4B đoạn Km18 - Km80 cho tỉnh Lạng Sơn vận hành, quản lý, khai thác trong thời gian đầu tư (không thực hiện bàn giao tài sản). Sau khi hoàn thành đầu tư, Bộ GTVT sẽ tiếp nhận lại để quản lý khai thác”, Bộ GTVT cho hay.