Kịch bản nào cho việc bầu tân Thủ tướng Thái Lan?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quốc hội Thái Lan đã “chốt” thời gian bầu tân Thủ tướng sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5-2023, song tiến trình lựa chọn người đứng đầu Chỉnh phủ mới của đất nước Chùa Vàng có thể mất nhiều thời gian khi ứng cử viên sáng giá nhất là lãnh đạo của Đảng Tiến bước (MFP) không dễ thu được đủ số phiếu cần thiết tại lưỡng viện Quốc hội.

Bầu nhiều lần chọn tân Thủ tướng?

Tân Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha ngày 5-7 cho biết, Quốc hội nước này sẽ bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới vào ngày 13-7 tới. Thông báo này được ông Wan Muhamad Noor Matha đưa ra chỉ một ngày sau khi đắc cử Chủ tịch Hạ viện khóa mới đồng thời là Chủ tịch Quốc hội, gồm Hạ viện và Thượng viện. Với trọng trách mới, ông Wan Muhamad Noor Matha có nhiệm vụ lựa chọn thời điểm tổ chức một cuộc họp chung của lưỡng viện Quốc hội Thái Lan để bỏ phiếu bầu tân Thủ tướng sau cuộc tổng tuyển cử hồi trung tuần tháng 5 vừa qua.

Ông Pita Limjaroenrat được liên minh 8 đảng đề cử làm ứng cử viên tân Thủ tướng Thái Lan

Ông Pita Limjaroenrat được liên minh 8 đảng đề cử làm ứng cử viên tân Thủ tướng Thái Lan

Tính tới thời điểm hiện tại, ông Pita Limjaroenrat - lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP) và là ứng cử viên chức Thủ tướng - đang là chính trị gia có nhiều cơ hội nhất để trở thành Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan. Liên minh 8 đảng do MFP đứng đầu đang chiếm đa số tại Hạ viện Thái Lan với 312 trên tổng số 500 ghế. Tuy nhiên, để đắc cử tân Thủ tướng, ông Pita Limjaroenrat cần tối thiểu 376 phiếu bầu từ lưỡng viện Quốc hội, bao gồm 500 Hạ nghị sĩ và 250 Thượng nghị sĩ.

Trước cuộc tổng tuyển cử được tổ chức lần đầu tiên sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014 lật đổ chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra - em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và cũng là người đã bị quân đội tiến hành đảo chính lật đổ hồi năm 2006 - chính quyền quân sự trong thời gian cầm quyền đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp nhằm đảm bảo giữ vai trò chi phối quan trọng trên chính trường Thái Lan cho dù một chính quyền dân sự nắm quyền. Theo đó, quân đội giữ quyền chỉ định đối với 250 Thượng nghị sĩ để đưa những người ủng hộ hoặc trung thành với mình vào cơ quan lập pháp này của Thái Lan.

Sau chiến thắng gây chấn động trong cuộc tổng tuyển cử trung tuần tháng 5-2023, đảng MFP của ông Pita Limjaroenrat dù được xem là giành chiến thắng, song cũng chỉ thu được 152 ghế, chiếm chưa tới 1/3 tổng số ghế tại Hạ nghị viện và còn rất xa mới vươn tới mốc 376 phiếu ở lưỡng viện Quốc hội. Vì thế, MFP phải bắt tay liên minh với nhiều chính đảng khác, kể cả chính đảng được xem là đối thủ Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) do bà Paetongtarn Shinawatra - con gái út cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra lãnh đạo. Thế nhưng, liên minh 8 đảng do ông Pita Limjaroenrat đứng đầu - gồm các đảng: MFP, Vì nước Thái, Prachachat, Thai Liberal, Thai Sang Thai, Fair, Plung Sungkom Mai và Pue Thai Rumphlang - cũng chỉ chiếm 313/500 ghế của Hạ nghị viện. Trong đó ngoài MFP, hai đảng lớn thứ 2 và 3 trong liên minh Đảng Vì nước Thái và Đảng Bhumjaithai lần lượt chiếm 141 ghế và 70 ghế trong Hạ nghị viện.

Do vậy, tân Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha trong phát biểu ngay sau khi được bầu ngày 4-7 đã nói về một tiến trình bầu không dễ dàng để lựa chọn tân Thủ tướng. Thậm chí, ông Wan Muhamad Noor Matha còn không chắc cuộc bầu chọn Thủ tướng mới có thể lặp lại bao nhiêu lần nếu ứng cử viên thủ tướng của Đảng MFP Pita Limjaroenrat không nhận được sự ủng hộ cần thiết để giành chiến thắng.

Theo đó, liên minh 8 đảng đã ủng hộ ông Pita Limjaroenrat nhưng nếu nhà lãnh đạo của Đảng MFP không nhận được đa số phiếu bầu (tối thiểu 376 phiếu) từ lưỡng viện Quốc hội Thái Lan, việc đề cử đối với ông có thể được lặp lại một vài lần. Tân Chủ tịch Hạ nghị viện, đồng thời là thành viên của Đảng MFP, cũng thừa nhận rằng, nếu những nỗ lực bầu ông Pita Limjaroenrat lặp đi lặp lại vẫn thất bại, thì phải đưa ra những giải pháp tiếp theo vì Chủ tịch Hạ viện không thể nhiều lần thúc đẩy cùng một đề cử.

Mọi kịch bản còn để ngỏ

Liên quan cuộc bỏ phiếu bầu tân Thủ tướng Thái Lan vào ngày 13-7 tới, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) Sanan Angubolkul đã đưa ra 3 kịch bản. Trong kịch bản đầu tiên, ông Pita Limjaroenrat giành đủ số phiếu từ các Thượng nghị sĩ để trở thành Thủ tướng và thành lập Nội các. Với kịch bản thứ hai, nhà lãnh đạo Đảng MFP không thể trở thành Thủ tướng và liên minh 8 đảng phải tìm ra một ứng cử viên mới cho vị trí này. Kịch bản thứ ba, một liên minh mới phải được thành lập sau khi ông Pita Limjaroenrat bị các Thượng nghị sĩ từ chối.

Ông Sanan Angubolkul mong muốn, cho dù xảy ra theo kịch bản nào thì hy vọng Thái Lan sẽ không một lần nữa rơi vào khủng hoảng chính trị. Người đứng đầu TCC nói thêm rằng, khu vực doanh nghiệp hy vọng Thái Lan sẽ sớm có chính phủ mới mà không có bất kỳ cuộc biểu tình hay hỗn loạn nào, để nước này có thể tiếp tục thuận lợi trên con đường phục hồi.

Mong muốn của người đứng đầu TCC không chỉ trông đợi của giới kinh doanh mà của người dân và cử tri Thái Lan. Tuy nhiên, với không ít thách thức đang phải đối mặt, liên minh 8 đảng, Đảng MFP cũng như ông Pita Limjaroenrat sẽ khó “tuần trăng mật” sau khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyền cử diễn ra trung tuần tháng 5 vừa qua.

Ứng cử viên Thủ tướng Pita Limjaroenrat luôn khẳng định sự vững chắc của liên minh 8 đảng như để bác bỏ mọi hoài nghi về sự ổn định của liên minh. Song thực tế cho thấy đã có những nhìn nhận khác biệt trong việc chia sẻ quyền lực trong liên minh. Thoạt đầu, Đảng Vì nước Thái giữ quan điểm thành viên MFP sẽ đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng - người đứng đầu cơ quan hành pháp, thì người của Đảng Vì nước Thái nên được trao chức vụ Chủ tịch Hạ viện - người đứng đầu cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, hai đảng lớn nhất trong liên minh đã bất đồng quan điểm về vấn đề này, trong đó MFP kiên quyết giành cả hai vị trí quyền lực này và cuối cùng Đảng Vì nước Thái phải nhượng bộ, ủng hộ ông Wan Muhamad Noor Matha làm Chủ tịch Hạ nghị viện trong cuộc bầu ngày 4-7.

“Va chạm” giữa MFP và Đảng Vì nước Thái là điều không khiến những ai am hiểu chính trường Thái Lan ngạc nhiên. Hai đảng này sẽ là đối thủ trong cuộc bầu cử tiếp theo. Thực tế MFP lãnh đạo liên minh với ông Pita Limjaroenrat nắm quyền Thủ tướng, Đảng Vì nước Thái phải đóng vai trò thứ hai, một vị trí mà đảng có nhiều ảnh hưởng này không bao giờ muốn.

Đã có nhiều đồn đoán trước cuộc bầu cử rằng Đảng Vì nước Thái có thể thành lập chính phủ với Đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (PPRP) của Tướng Prawit Wongsuwon và Đảng Tự hào Thái Lan (Bhumjaithai). Tuy nhiên, điều này rất có thể sẽ xói mòn uy tín của Đảng Vì nước Thái do tâm lý không ủng hộ chính quyền thân quân sự lan rộng trong các cử tri và những hứa hẹn “hồi hương” của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra mất đi sức hút.

Ngoài mối quan hệ giữa MFP và Đảng Vì nước Thái, giới quan sát cho rằng, quá trình phân chia quyền lực, tiến cử người đảm đương các vụ trong cả cơ quan hành pháp và lập pháp sẽ không dễ dàng với liên minh 8 đảng. Bởi chính đảng nào cũng muốn người của mình đảm trách các vị trí quan trọng trong các cơ quan quyền lực của Thái Lan.

Với MFP và ứng viên Thủ tướng Pita Limjaroenrat, chính đảng này và người lãnh đạo cũng phải gặp những rắc rối với quan điểm muốn cải cách luật khi quân lúc tranh cử trước đây. Ông Pita Limjaroenrat cũng bị cáo buộc sở hữu 42.000 cổ phiếu trong Công ty truyền thông iTV nhưng không báo cáo điều này cho Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia trước khi nhậm chức nghị sĩ vào năm 2019.

Thế nên, các nhà phân tích đang dõi theo diễn biến tiếp theo trong quá trình bầu tân Thủ tướng cũng như lập tân Nội các Thái Lan với những câu hỏi còn để ngỏ vào lúc này.