"Kịch bản" nào cho cuộc khủng hoảng Ukraine?

ANTD.VN - Ba Lan đã đề xuất giải pháp mới cho cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng là cuộc xung đột trong lòng châu Âu đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10 nghìn người trong 3 năm qua.

Ngoại trưởng Ba Lan Witold  Waszczykowski đã đề xuất 3 kịch bản nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng ở Ukraine 

Ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2018, ngày 1-1, Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski đã đề xuất một giải pháp mới cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Giải pháp này, theo người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Ba Lan, gồm có 3 lựa chọn để triển khai Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở vùng Donbass - nơi đang diễn ra xung đột ở miền Đông Ukraine. 

Lựa chọn thứ nhất, theo Ngoại trưởng Ba Lan, tách riêng vùng Donbass khỏi Ukraine. Tuy nhiên, ông Witold Waszczykowski cho rằng, đây là kịch bản mà chính quyền Ukraine khả năng cao sẽ không đồng ý vì điều đó sẽ kéo theo sự chia tách lâu dài miền Đông Ukraine. Kịch bản thứ hai là tổ chức hoạt động gìn giữ hòa bình trên khu vực biên giới giữa Nga và Ukraine, song phía Nga nhiều khả năng sẽ bác bỏ.

Kịch bản thứ ba, theo đề xuất của Ba Lan, đó là hợp nhất Phái bộ của LHQ tại Ukraine với lực lượng của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đang hiện diện tại quốc gia Đông Âu này. Phái bộ hợp nhất sẽ được trao trọng trách giám sát toàn bộ vùng Donbass đang diễn ra xung đột giữa quân Chính phủ Ukraine và lực lượng đòi ly khai. Đây cũng là kịch bản mà Nga đã nhắc tới trước đó.

Thế nhưng, chính người công bố 3 kịch bản là Ngoại trưởng Ba Lan cũng phải thừa nhận rằng, kịch bản thứ ba gặp nhiều khó khăn để triển khai do với quy mô rộng lớn của khu vực Donbass, việc giám sát sẽ cần hàng nghìn nhân lực. Thêm nữa, phía Nga yêu cầu trong phái bộ hợp nhất không được có binh sĩ của các nước thành viên NATO mà chỉ có lực lượng của các quốc gia trung lập. Trong khi đó, ông Witold Waszczykowski nhận định, không có nhiều quốc gia ngoài NATO muốn tham gia hoạt động này.

Bởi thế, tiếng là đề xuất các kịch bản nhằm góp phần giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, đồng thời cũng là điểm nóng trong lòng châu Âu, song chính tác giả của những kịch bản này cũng cho rằng không dễ để hiện thực hóa. Khó nhất là lập trường còn khác biệt tới mức xung khắc, đối chọi nhau của các bên liên quan tới cuộc khủng hoảng kéo dài gần 3 năm qua này.

Cho tới nay, giải pháp được cho là cơ bản nhất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát mạnh từ đầu năm 2014 là thỏa thuận Minsk được đại diện của Ukraine, Nga và lực lượng đòi ly khai ký kết tại Thủ đô của Belarus hồi tháng 9-2014. Thỏa thuận này kêu gọi Ukraine trao quyền cho các địa phương và thông qua luật mang lại quyền tự trị cho các khu vực phía Đông Ukraine do đòi phe ly khai kiểm soát.

Nhằm thực thi thỏa thuận Minsk, đại diện của Nga, Ukraine, Pháp và Đức vào tháng 2-2015 đã ký kết lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine, một phần quan trọng đầu tiên trong kế hoạch hòa bình tại nước này. Tuy nhiên, đến nay đã gần 3 năm trôi qua mà tiếng súng vẫn chưa khi nào dứt hẳn tại miền Đông Ukraine nhằm tạo điều kiện cho việc đi tới giải pháp hòa bình, chấm dứt cuộc chiến đã làm cho khoảng 10 nghìn người thiệt mạng.

Khi nào cuộc khủng hoảng Ukraine chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm” cũng có nghĩa là cuộc khủng hoảng được xem là trầm trọng nhất sau Chiến tranh lạnh giữa Nga và phương Tây trong vấn đề này còn tiếp diễn.