Kịch bản cho cuộc gặp giữa ông Donald Trump và Kim Jong-un

ANTD.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn lòng gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un để xoa dịu căng thẳng về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Nếu điều đó xảy ra, cuộc gặp sẽ diễn ra ở đâu và như thế nào?

Hôm 1-5, trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ông Donald Trump bất ngờ cho biết, ông sẽ “rất vinh hạnh” được gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào một thời điểm thích hợp. Ông Trump ngay sau đó cũng nhận định rằng đây là một phát biểu mà ít chính trị gia trực tiếp đề cập. Liệu điều “không thể” này có thể xảy ra?

Trong thời đại công nghệ hiện nay, cuộc "gặp mặt" qua Internet hay truyền hình trực tiếp không có gì là khó khăn. Hơn nữa, lịch sử ngoại giao thế giới cũng đã từng chứng kiến những cuộc gặp có một không hai tương tự. Và nếu có cuộc gặp như ông Trump nói, hãng tin AP đã đưa ra kịch bản thú vị cho sự kiện này.

Địa điểm

Trong số những địa điểm tiềm năng có thể kể đến khu phi quân sự liên Triều. Cảnh tượng sẽ giống như trong một bộ phim với căn phòng đặt bàn đàm phán mà một nửa diện tích thuộc về đất Triều Tiên, nửa kia thuộc về Hàn Quốc. Vị trí này có đặc điểm thuận lợi là an ninh được đảm bảo, lại nằm tại một trong những “điểm nóng” nhất hành tinh hiện nay.

Cuộc gặp nếu tổ chức ở Mỹ hay Triều Tiên cũng đều khó. Vì thế, cũng không loại trừ những điểm trung lập khác, như Thụy Sĩ chẳng hạn, nơi ông Kim Jong-un từng đi du học. Mọi thứ có thể diễn ra ở một nơi bất ngờ hoặc thậm chí chưa biết. Năm 1989, Tổng thống Mỹ George HW Bush và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev gặp nhau trên một con tàu ở ngoài khơi Malta để thảo luận về những thay đổi đang diễn ra ở Liên Xô và Đông Âu.

Kịch bản cho cuộc gặp giữa ông Donald Trump và Kim Jong-un ảnh 2Tổng thống Mỹ George H. Bush – nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev trên tàu Maxim Gorky ở Malta vào ngày 3-12-1989

Hòn đảo bên bờ Địa Trung Hải Malta sau đó được biết đến nhiều hơn, cũng giống như trường hợp thành phố huyền thoại Yalta, miền Nam Ukraine, nơi Tổng thống Mỹ Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Joseph Stalin gặp nhau vào đầu năm 1945 để tổ chức lại thế giới sau khi cục diện Thế chiến II đã ngã ngũ.

Chủ đề

Tất nhiên, giải giáp vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ là vấn đề được đặt ra trước tiên trên bàn đàm phán. Nhưng với cả hai nhà lãnh đạo đều có tính cách và phản ứng không thể đoán trước như vậy, không ai có thể hoàn toàn chắc chắn nội dung sẽ được bàn thảo.

Với phong cách của ông Trump, sau một số câu nói xã giao thì chủ đề chính sẽ sớm xuất hiện. Cùng với đó là đề tài về thử vũ khí, tên lửa hay hạt nhân; viện trợ cho người nghèo hay người dân đói lương thực ở Triều Tiên.

Tác động

Các bên được cho là có phản ứng mạnh nhất sẽ là Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc. Với Hàn Quốc, nhiều người cho rằng kho vũ khí của Triều Tiên có đủ khả năng tàn phá Hàn Quốc, do đó, cuộc họp giữa Hoa Kỳ - đồng minh của Hàn Quốc với Triều Tiên sẽ có tác động nghiêm trọng về an ninh đối với Seoul kể cả khi cuộc thảo luận không có gì là thực chất.

Trong khi đó, Trung Quốc đang cảnh giác với sự can dự của Mỹ về ảnh hưởng của nước này, đặc biệt là sau loạt mâu thuẫn của hai nước từ vấn đề Biển Đông đến vụ lắp đặt hê thống tên lửa THAAD gần đây, nên cuộc gặp giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un chắc chắn phải liên quan đến Trung Quốc, nước láng giềng có quan hệ mật thiết với Triều Tiên nhiều năm qua.

Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin sẽ coi đây là sự kiện cần có sự cảnh giác lớn. Một cuộc họp như vậy có thể làm thay đổi mối quan hệ của Matxcơva với Bắc Kinh, Washington, và thậm chí cả Bình Nhưỡng nữa.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il và Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright gặp nhau tại Bình Nhưỡng hôm 23-10-2000

Ý nghĩa

Có một điều chắc chắn là, bất kỳ cuộc gặp nào giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong-un nếu thực sự xảy ra sẽ là một trong những sự kiện đáng kể nhất của thế kỷ 21 cho đến nay.

Nó sẽ tích hợp 3 câu chuyện toàn cầu cùng một lúc: Chính sách của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nhà lãnh đạo Kim Jong un với cách điều hành đất nước độc nhất vô nhị sẽ thể hiện bản thân với thế giới như thế nào. Cuối cùng là vấn đề an ninh quốc phòng khu vực Đông Á, một trong những khu vực chiến lược quan trọng nhất trên thế giới.