Kì diệu và lạ lùng chuyện thoát khỏi hôn mê dài nhờ tình yêu

ANTĐ - Có những điều mà ngay cả khoa học cũng không thể giải thích nổi. Nó thuộc về thế giới tinh thần. Có những người đã chìm sâu trong giấc ngủ hàng chục năm, sống thực vật vô thức ngỡ như đã hoàn toàn mất hết hi vọng có ngày chợt tỉnh lại.

Bỗng nhiên, điều kì diệu xảy ra. Họ hồi tỉnh sau cơn mê dài. Người ta không tìm được nguyên nhân. Họ nói đó là nhờ tình yêu vì xét cho cùng, ở cõi đời này, chỉ tình yêu mới làm được những điều kì diệu đến thế...

Hành trình đi tìm cô gái mang tên Nga

Đến giờ, khi kể lại câu chuyện đã diễn ra từ 2 năm trước, Hùng (Hải Phòng) vẫn nghĩ rằng sự tỉnh lại của mình sau hơn 10 năm hôn mê là cả một điều kì lạ và đáng ngạc nhiên. Ngay cả các bác sĩ cũng không có bất cứ cơ sở khoa học nào có thể giải thích được cho sự hồi tỉnh bất ngờ của Hùng. Anh Hùng năm nay 36 tuổi. Tức là khi bắt đầu lâm vào tình trạng hôn mê, anh mới 26 tuổi, chưa lập gia đình. Hùng gặp tai nạn giao thông khi đang trên đường từ Hà Nội về Hải Phòng và rơi vào hôn mê ngay sau đó. Trên người Hùng khi đó không hề có một thứ giấy tờ nào để giúp công an xác minh xem anh là ai, ở đâu và làm gì. Người ta nghĩ đến chuyện tìm thân phận của anh qua việc liên lạc với những người trong điện thoại của Hùng nhưng khi tìm điện thoại thì không thấy có. Có lẽ, khi xảy ra tai nạn, chiếc điện thoại đã bị rơi ra ngoài. Người đi đường đưa Hùng vào bệnh viện nói, trước khi ngất đi, Hùng chỉ nói một câu: “Nga ơi! Tha lỗi cho anh”. Các bác sĩ tìm được trong túi quần Hùng một mảnh giấy hẹn lấy quần áo ở một cửa hàng cắt may, có ghi tên Nguyễn Viết Hùng nên họ gọi luôn bệnh nhân đang mê man, không rõ nhân thân là Hùng.

Công an thông qua mảnh giấy hẹn, tìm đến địa chỉ hàng cắt may. Hơn một tháng sau, họ mới tìm được gia đình Hùng. Khi ấy, Hùng vẫn hôn mê. Tai nạn khiến anh bị chấn thương nghiêm trọng ở não bộ. Các bác sĩ dự đoán rất khó có khả năng Hùng tỉnh lại. Anh có lẽ sẽ chỉ sống dạng thực vật và nếu có may mắn tỉnh lại thì anh cũng khó có thể sống một cuộc sống như trước đây. Họ e ngại trí nhớ của anh sẽ không hồi phục được. Bố mẹ Hùng kiên quyết, còn nước còn tát, con trai họ còn thở thì còn có cơ hội cứu chữa. Vậy là kể từ ngày ấy, bố mẹ anh cùng em gái Hùng thay phiên nhau vào viện chăm sóc Hùng. Họ nói chuyện, lau rửa, xoa tay chân cho Hùng để máu được lưu thông và giúp anh không bị mất cảm giác. Thế nhưng hi vọng của cả gia đình ngày một giảm dần khi thời gian trôi qua mà Hùng vẫn không hề có bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ anh có thể bình phục.
Kì diệu và lạ lùng chuyện thoát khỏi hôn mê dài nhờ tình yêu ảnh 1

Đến năm thứ 5 Hùng hôn mê, một ngày, cô em gái tên Diệu Anh của Hùng ngồi trò chuyện với bác sĩ trực tiếp điều trị và theo dõi cho Hùng. Vui chuyện, bác sĩ kể lại tình tiết người đi đường lúc đưa Hùng vào bệnh viện có nói, câu cuối cùng Hùng nói trước khi lâm vào trạng thái hôn mê là: “Nga ơi! Tha lỗi cho anh”. Tiếp đó, bác sĩ nói, có rất nhiều ca hôn mê bỗng dưng tỉnh lại bởi sự tác động của một người nào đó có ý nghĩa quan trọng đặc biệt với bệnh nhân. Dù không giải thích được điều đó có chính xác không nhưng đó cũng là một tia hi vọng đáng để thử đối với những trường hợp như của Hùng. Điều này khiến Diệu Anh vô cùng hứng khởi. Thứ đầu tiên cô nghĩ ra trong đầu là sẽ tìm xem cô gái tên Nga kia là ai. Hẳn cô ta phải là một người quan trọng đối với Hùng thì mới có chuyện, trong lúc đau đớn và gần như đang hấp hối kia, anh mới nhớ tới cô. Và hẳn là Hùng đã làm chuyện gì đó có lỗi với cô Nga nên anh mới xin cô tha thứ vào lúc ấy.

Diệu Anh lên kế hoạch đi tìm cô gái tên Nga với hi vọng, cô ta có thể giúp anh trai cô tỉnh lại sau chừng ấy năm hôn mê. Nhưng việc tìm Nga không phải là chuyện đơn giản. Kể từ lúc Hùng xảy ra tai nạn tới nay cũng đã hơn 5 năm. Để tìm lại các mối quan hệ của Hùng từ 5 năm trước là một chuyện khá khó. Thông qua bạn thân của Hùng, Diệu Anh tìm được 3 cô bạn gái của anh trai mình tên Nga. 1 trong 3 cô Nga đó từng có quan hê tình cảm với Hùng. Thế nhưng, sau khi cất công tìm gặp cả 3 người, trình bày câu chuyện của mình và mong nhận được sự giúp đỡ, Diệu Anh lại thất vọng trở về vì cả ba đều nói rằng, họ không có cãi vã hay có chuyện gì với Hùng trước thời điểm mà anh gặp tai nạn. Không đánh mất niềm tin của mình, Diệu Anh nhờ đến văn phòng thám tử để họ có thể tìm hiểu sâu hơn về các mối quan hệ của anh mình và tìm ra cô gái tên Nga kia đang ở đâu và giữa cô ta với Hùng đã xảy ra chuyện gì. Hơn 1 năm điều tra, có tới hàng chục cô gái tên Nga và kể cả không tên Nga được thám tử tìm và Diệu Anh xin họ đến nói chuyện với Hùng nhưng chẳng có điều kì diệu nào xảy ra.

Nhiều lần, bác sĩ nói chẳng còn hi vọng nào đối với anh trai cô nữa, bố mẹ cô cũng đã đồng ý rút ống thở để Hùng được ra đi nhẹ nhàng nhưng Diệu Anh không chịu. Nhờ sự can thiệp của bố mẹ, Diệu Anh chuyển công tác lên Hà Nội để tiện vừa có thể đi làm vừa có thể chăm sóc anh trai. Phần lớn thời gian cô ở trong bệnh viện. Diệu Anh nói, lúc nào cô cũng sợ rằng, nếu anh cô bất ngờ tỉnh lại, nếu không thấy người thân ở bên cạnh thì sẽ hoang mang nên cô tìm mọi cách có thể ở bên cạnh anh mình khi không phải đi làm việc. Có lẽ, ít có cô em gái nào lại có được tình yêu lớn như thế với anh trai của mình. Việc tìm cô gái tên Nga không mang lại kết quả gì. Diệu Anh chỉ trông chờ vào điều kì diệu.

Và quả thật có điều kì diệu xảy ra. Ấy là khi cô về nhà ở Hải Phòng sau khi có mẹ lên trông anh hộ một hôm. Diệu Anh vào phòng anh trai mình. Toàn bộ đồ đạc của Hùng vẫn được giữ nguyên. Diệu Anh tìm được nhật kí của Hùng. Lần đầu tiên cô đọc những điều anh trai mình viết, những điều mà anh trai cô không bao giờ chia sẻ và cô tìm được Nga. Nga là cách Hùng gọi tên Diệu Anh khi anh viết về cô trong nhật kí. Diệu Anh không biết lí do. Giờ thì cô hiểu vì sao Hùng xin lỗi cô trước khi anh lâm vào hôn mê. Khi ấy, Diệu Anh và anh trai đã không nói chuyện với nhau 3 tháng, sếp của Hùng có để ý đến Diệu Anh và nhờ anh mai mối. Hùng vì muốn thăng chức nên ép Diệu Anh phải hẹn hò với cấp trên của anh. Diệu Anh không đồng ý nên hai anh em cãi nhau và tuyệt giao. Hùng xin lỗi nhưng cô không chấp nhận. Cô vốn luôn bướng bỉnh như thế.

Nhớ lại 9 năm ròng cô chăm sóc anh trai, Diệu Anh cũng chưa từng lần nào ngồi trò chuyện cùng anh trai. Cô chỉ lau người, xoa bóp chân tay cho anh. Hóa ra cô chính là cô Nga mà cô vất vả đi tìm. Nghe theo lời bác sĩ nói, lần đầu tiên, trong suốt 9 năm, Diệu Anh ngồi nói chuyện với anh trai. Mới đầu, chỉ vài ba câu chuyện hàng ngày. Sau thì Diệu Anh bắt đầu kể về chuyện thời ấu thơ của hai anh em. Câu chuyện hai anh em giận nhau, Diệu Anh nói tha thứ cho anh trai mình. Đó là câu chuyện cuối cùng Diệu Anh nói với Hùng. Khi ấy, ngón tay Hùng động đậy. Điều kì diệu ấy ai cũng thấy khó tin nhưng nó đã xảy ra. Đó là cử động đầu tiên của Hùng sau bao nhiêu năm hôn mê...

Hùng tỉnh lại trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Không còn ai tin rằng một điều kì diệu như thế có thể xảy ra. Khi kể lại câu chuyện ấy, Hùng nghe và cười: “Tôi cố tình nằm lâu như thế để đợi em gái xin lỗi đấy chứ”. Giờ thì anh đang phục hồi chức năng sau hôn mê, có lẽ, Hùng sẽ không được mạnh khỏe như trước đây nhưng việc anh tỉnh lại, đó là kì tích. Kì tích của tình yêu.

Tỉnh lại sau khi chết lâm sàng khi nghe câu: “Anh yêu em”

Điều kì diệu như vậy cũng đã xảy ra khi Nam Miên được nghe 3 từ thiêng liêng ấy từ chồng của mình khi cô rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Hôn mê là trạng thái mất ý thức hoàn toàn. Người bệnh không còn biết đến bất cứ thứ gì xung quanh. Nam Miên bị ngã từ trên mái bếp xuống khi đang cố giăng kim tuyến để trang trí vòm cây gần bếp cho sinh nhật của cô con gái mới lên 3 tuổi. Đầu cô đập vào đá dẫn tới chảy máu trong. Sau khi được cấp cứu làm phẫu thuật, Miên qua được trạng thái nguy hiểm. Bác sĩ nói cần đợi vài ngày để cô có thể hồi tỉnh. Nhưng cuối cùng, thời gian đó lại kéo dài hơn thời gian mà các bác sĩ dự đoán. Chồng Miên tên Bắc, là bộ đội, đóng quân ở xa. Bố mẹ sợ con lo nên giấu không cho biết. Nhưng đến nước này thì chẳng thể làm như mọi chuyện không có gì.

Nhận được điện, Bắc vội vã thu xếp về ngay. Nhìn vợ mình nằm quấn băng trắng trên giường, Bắc chẳng thể nào ghìm được cảm xúc. Anh cứ thế khóc nức lên. Những ngày sau đó, Bắc không cho ai chăm vợ mình ngoài anh. Anh nói chuyện với vợ, xoa tay chân cho vợ, cắt móng tay móng chân cho Miên. Thi thoảng, Bắc bế con gái qua viện ngồi nói chuyện với mẹ. Hai bố con kể chuyện cùng nhau rồi khúc khích cười. Bố mẹ thấy tinh thần con trai khá tốt nên cũng đỡ lo hơn. Chẳng ai biết, hàng đêm Bắc đốt hết bao nhiêu điếu thuốc để cố gắng giết đi nỗi lo của mình. Hơn 6 tháng trôi qua, những vết thương vùng ngoài của Miên đã khỏi, phần tổn thương ở não cũng đã ổn nhưng cô vẫn chưa tỉnh lại.
Bác sĩ không tìm ra nguyên nhân. Họ nói với Bắc có lẽ vợ anh cần một kích động lớn để có thể tỉnh lại sau từng ấy tháng hôn mê. Bắc chẳng biết thế nào là kích động mạnh. Một sáng, sau khi cho con gái đi học, Bắc vào viện thì thấy trong phòng bệnh của vợ, các bác sĩ đang ồn ào, vội vã. Anh ngỡ vợ tỉnh lại nhưng hóa ra, tình hình của Miên đột nhiên xấu đi. Bác sĩ không dò được mạch của cô. Người ta nói Bắc phải bình tĩnh nhưng có lẽ, Miên khó lòng mà qua khỏi. Khi tín hiệu về sự sống của Miên trở thành vạch thẳng băng trên máy, Bắc không kiềm lòng được nữa, anh ôm vợ, khóc lớn: “Anh yêu em cơ mà, Miên ơi”. Câu chuyện nghe như bịa đặt nhưng quả thật, sau đó, tín hiệu của sự sống trở về, sau 6 tháng, Miên tỉnh lại. Cùng 6 tháng phục hồi chức năng, Miên lại trở về cuộc sống của mình như một điều kì diệu. Người ta nói tình yêu của người chồng đã kéo cô lại với nhân gian. Có lẽ đó là câu trả lời hoàn hảo nhất cho tất cả câu hỏi về câu chuyện này.

Tìm lại trí nhớ nhờ tiếng nhạc của con

Chị Hà (Nghệ An) rơi vào trạng thái hôn mê sau khi bị chấn thương ở vùng đầu. Không ai nghĩ cú va đập nhẹ của chị trong vụ tai nạn giao thông nhỏ lại dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như thế. Những tuần đầu tiên, gia đình Hà thay nhau trông nom chị trong viện nhưng sau đó, vì bận chuyện làm ăn, họ thuê một y tá chịu trách nhiệm chăm sóc Hà, còn người nhà một ngày chỉ đảo qua hai, ba lần cho tròn đạo. Chị Hà có một người con tên Nhật. Khi chị gặp tai nạn, Nhật mới 16 tuổi, đang học nhạc ở Pháp. Chuyện mẹ cháu bị tai nạn được cả nhà giấu nhẹm vì không muốn làm ảnh hưởng đến chuyện học hành của cháu. Thế nhưng một người bạn cùng lớp đã nói cho Nhật biết. Không cần sự đồng ý của gia đình, Nhật tự mua vé máy bay về và vào thẳng viện với mẹ.

Tình hình của chị Hà khá ổn định. Bác sĩ cho biết máu tụ trong não đã tan nhưng khả năng tỉnh lại của bệnh nhân thì họ không thể nói trước được. Bệnh nhân cũng được yêu cầu không di chuyển nên việc Nhật muốn chuyển mẹ qua nước ngoài để chạy chữa không thành công. Là con trai và còn khá nhỏ tuổi nhưng Nhật chẳng ngần ngại chuyện chăm sóc mẹ. Cậu cũng là người khá dí dỏm nên trong lúc lau mặt, lau chân tay cho mẹ, Nhật thường tìm chuyện để kể cho mẹ nghe. Có một lần, Nhật ngồi nghe nhạc. Nghịch ngợm, cậu cắm tai nghe cho mẹ nghe cùng. Sau một hai buổi như thế, Nhật nhận thấy mẹ mình có sự thay đổi. Cậu không gọi thành tên được cảm giác ấy nhưng nhất định, mẹ cậu đã có sự chuyển biến. Nhật có một đĩa nhạc violon do chính cậu tự chơi và thu âm. Cậu cho mẹ nghe hàng ngày. Những chuyển biến đầu tiên được thể hiện qua việc mẹ Nhật mấp máy môi. Sau đó, mẹ cậu cử động dần đến tay và mở được mắt. Tuy nhiên, chị Hà không nhận ra con trai mình. Rõ hơn là chị bị mất trí nhớ. Bác sĩ nói, đó là di chứng của hôn mê.

Chị Hà ra viện. Người nhà bận kinh doanh cũng không có nhiều thời gian dành cho chị. Nhật không quay lại Pháp học tiếp mà ở lại chăm mẹ. Chị Hà không nhận ra người thân, cũng không còn chút kí ức nào về những việc đã xảy ra. Chị chỉ nhớ chị đi xe vào bãi cát, bánh xe bị trượt nên chị ngã đập đầu xuống đường. Đó là kí ức duy nhất còn giữ lại trong đầu chị. Nhật là người chăm trò chuyện với mẹ nhất. Cậu nói chuyện với mẹ hàng ngày nhưng cũng không cố khơi gợi quá nhiều chuyện vì nó khiến mẹ cậu bị đau đầu. Phần lớn thời gian cậu dùng để kéo đàn. Tiếng đàn của Nhật rất hay. Nhẹ nhàng và gây xúc động. Những xúc động ấy kích thích não bộ của mẹ cậu khiến vùng trí nhớ dần hoạt động. Không có thứ gì chứng minh rằng chính tiếng đàn của Nhật đã giúp mẹ cậu lấy lại trí nhớ nhưng chị Hà tin rằng, đó là nguyên nhân giúp chị tỉnh ra sau cơn mê và tỉnh ra cả ngay khi đang thức.

Kéo vợ dậy khỏi hôn mê nhờ cắn ngón chân

Bị thương trong một tai nạn lao động, chị Thương chìm vào hôn mê sâu và mất hoàn toàn ý thức. Chồng chị tên Kiên, 37 tuổi. Hai người kết hôn muộn và chưa có con. Gia đình chị lại chẳng mấy khá giả. Lương công nhân chỉ đủ cho 2 người chi trả cho cuộc sống hàng ngày nên khi Thương gặp chuyện, Kiên đã phải chạy vạy khắp nơi để lo cho vợ. Trải qua 3 ca phẫu thuật, dù Thương không còn bị nguy hiểm về tính mạng nhưng chị vẫn chưa tỉnh lại. Hơn 2 năm trôi qua, những hi vọng dần lụi tắt. Bạn bè hai người cũng thôi không qua thăm và giúp đỡ như hồi đầu nữa.

Có người khuyên Kiên nên để Thương ra đi cho nhẹ nhàng vì sống thực vật vừa khổ Thương, lại khổ cả Kiên nhưng anh không chịu. Anh tin vợ mình nhất định có thể tỉnh lại vì cuộc đời còn quá dài, họ không thể mất nhau sớm như vậy được. Kiên làm đủ nghề để sống. Nhất là trong viện, có ai thuê anh làm bốc vác hay đổ bô hay bất cứ việc gì, anh đều vui vẻ làm vì làm ở trong viện thì anh có thể chạy qua nhìn và nói chuyện với vợ bất cứ lúc nào.

Kiên là người hay chuyện. Những câu chuyện anh kể với vợ dường như chẳng bao giờ hết. Thi thoảng, anh còn bật đài cho vợ nghe rồi ngồi bình luận tin tức. Có lúc, anh cho Thương nghe ca nhạc. Để tạo cảm giác cho vợ, Kiên xoa bóp chân tay Thương và lau rửa hàng ngày. Anh nói: “Vợ tôi là người sạch sẽ và gọn gàng lắm. Quần áo chỉ cần có một nếp nhăn hay một vệt ố thôi là cũng đủ khiến cô ấy khó chịu rồi. Thế nên tôi phải giữ cho cô ấy sạch sẽ, đúng như cô ấy quen như thế”. Nhưng dù thế, Thương dường như vẫn chẳng có bất cứ dấu hiệu nào là sẽ tỉnh lại. Kiên vẫn không từ bỏ hi vọng. Anh được một người bạn mách rằng, anh ta đọc trên mạng, có người giúp vợ tỉnh lại nhờ việc cứ cắn vào ngón chân vợ hàng ngày.

Bởi lẽ, ngón chân là nơi chứa rất nhiều dây thần kinh. Nếu được kích thích thường xuyên thì nó sẽ làm việc tốt hơn. Nghe lời bạn, dù có nhiều người thấy kì quặc, Kiên vẫn kiên trì làm việc đánh thức vợ. Anh cắn những ngón chân của vợ hàng ngày. Cứ ròng rã như vậy tới 5 năm, đến một ngày, điều kì diệu cũng xảy ra. Chị Thương cử động tay và đập nhẹ xuống giường để báo hiệu cho chồng. Kiên chết trân trong hạnh phúc quá đỗi bất ngờ. Tới bây giờ, Thương vẫn chưa hoàn toàn bình phục nhưng chị đã thực sự tỉnh lại. Thương chưa đi lại được và cử động tay còn khó khăn nhưng chị đã có thể nói được vài từ dễ dàng, nhất là chị đã gọi được chồng. Thương cũng đã có thể mỉm cười. Mà với Kiên, chỉ chừng đó thôi là cũng đã khiến anh vô cùng hạnh phúc. Vậy là sau bao nhiêu năm, cuối cùng, anh lại được nhìn thấy nụ cười của người phụ nữ mà anh rất mực yêu thương.

Có những tình yêu kì lạ mãi mãi chẳng thể giải thích bằng lời. Có điều, dù có kì lạ đến thế nào thì bất cứ tình yêu thực sự nào cũng có thể tạo nên kì tích. Đó là thứ kì tích khiến ngay cả người trong cuộc cũng ngỡ ngàng. Thế nên, hãy yêu nhau đi khi còn có thể…